Tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam cùng 15 doanh nghiệp trong đợt đầu nhận gói hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản vào chiều nay (7/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với 13 Hiệp định thương mại tự do và thị trường gần 100 triệu dân, Việt Nam có không gian đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đây là cuộc tọa đàm đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tổ chức tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Abe Shinzo cách đây hơn một tháng. Đây cũng là cuộc gặp thứ 2 của Thủ tướng với các nhà doanh nghiệp Nhật Bản trong năm nay, sau cuộc gặp với gần 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng tháng 1 vừa qua.
Nhân sự kiện này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Chính phủ Nhật Bản, cũng như Cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã có đóng góp to lớn vào phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: TTXVN)
Trong mấy năm gần đây, quan hệ giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện, ngày càng tin cậy và có những bước đột phá. Thủ tướng cũng hoan nghênh Chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã kịp thời ra quyết sách hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng chuỗi cung ứng ở nước ngoài. Ngay trong đợt đầu, 15 doanh nghiệp trong số 30 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam để mở rộng đầu tư.
Theo Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản, trong số này có nhiều doanh nghiệp có công nghệ cao, thế hệ mới và đang tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Họ chọn Việt Nam là do sự tin tưởng, cũng như Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và thị trường xuất khẩu lớn.
Trả lời kiến nghị của 8 doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là một Chính phủ luôn lắng nghe và Chính phủ trách nhiệm trong mấy năm qua, Thủ tướng và lãnh đạo nhiều bộ ngành đã trực tiếp đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đây chính là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản thành công ở Việt Nam và thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng cũng cho rằng mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam khoảng 60 tỷ USD, nhưng năm 2019, Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 trong đầu tư vào Việt Nam và Chính phủ mong muốn Nhật Bản phải luôn giữ vị trí hàng đầu về đầu tư, thương mại, du lịch với Việt Nam. Bởi ngoài những nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, là những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm làm ăn kinh doanh có hiệu quả, đóng góp ngân sách, chú trọng bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động và là một hình mẫu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Chứng kiến lễ trao thỏa thuận giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản về tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trên nền tảng liêm chính và minh bạch, tuyệt đối không hối lộ các quan chức Việt Nam như một số ít vụ vừa qua, nhưng lại làm ảnh hưởng đến lòng tin và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu lao động có tay nghề cao, thông qua việc tập trung đào tạo nghề cho một số ngành cụ thể, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản ký trực tiếp các thỏa thuận về đào tạo nghề với các trường dạy nghề của Việt Nam.
Cùng với mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là hình thành hệ sinh thái công nghiệp ô tô ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, các hãng hàng không Việt Nam sẽ sớm mở lại đường bay tới Nhật Bản, chính quyền các địa phương cũng sẽ thực hiện các biện pháp cách ly y tế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân Nhât Bản.
Cùng với tháo gỡ khó khăn về lao động tay nghề cao và đi lại giữa hai nước, Thủ tướng cũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng chính quyền các địa phương đã chuẩn bị nhiều khu công nghiệp mới với diện tích lớn để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư, xây dựng nhà xưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!