Điều này thể hiện những nỗ lực vươn lên, thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo của toàn ngành để vượt qua các khó khăn, thác thức. Kết quả kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt hơn 53 tỷ USD. Đây là con số nói lên nhiều điều.
Việt Nam tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Đó là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm ngoái.
Năm 2022 đã ghi dấu những nỗ lực đàm phán và hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến, chanh leo, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc. Quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Năm 2022 ghi dấu những bứt phá về xuất khẩu nông sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại... là những giải pháp đã phát huy hiệu quả trong năm 2022. Để hướng đến mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản 2023 là 54 tỷ USD đòi hỏi một tư duy mới.
Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất phải giữ được chữ tín khi thị trường 2023 được dự báo có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm.
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế
Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm do lạm phát tại các nước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, với giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33%.
Trong đó lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Một số yếu tố góp phần làm giảm CPI, đó là giá thịt lợn giảm gần 11% so với năm trước. Nguyên nhân là dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tiếp nối thành công 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chiến lược tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam, ví dụ thị trường Trung Quốc là sản phẩm cây có múi.
Với thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia sẽ tiếp tục với sản phẩm chanh dây, dừa và tận dụng mở cửa thị trường Nhật Bản cho quả nhãn.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 18 hiệp định thương mại tự do, trong đó nhiều Hiệp định gắn với các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… Đó sẽ là cơ sở để gia tăng giá trị từ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ nhất định về thị trường, thuế, vốn… để đủ sức duy trì cũng như đón đầu thị trường thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhu cầu từ quý II/2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!