Đã có rất nhiều bài báo, rất nhiều cuốn sách viết cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc với những góc độ khác nhau, tuy nhiên, tập bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức” của Trung tướng - PGS Phan Thu sẽ là một cuốn sách đặc biệt, đặc biệt là bởi vì Trung tướng - PGS Phan Thu là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chống tác chiến điện tử, trinh sát điện tử và gây nhiễu điện tử trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông cũng là một trong những người trực tiếp tham gia cuộc đối đầu điện tử nhằm “vạch nhiễu tìm thù”, góp phần đưa đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không năm 1972.
Bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức” được giới thiệu tới bạn đọc vào thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ phát động chiến tranh phá hoại ra miền Bắc (5/8/1964). Tác phẩm tuy đề cập khá nhiều đến vấn đề kỹ thuật, nhưng tác giả cũng đã hạn chế đi sâu vào vấn đề chuyên môn, mà đi sâu vào những vấn đề về con người, tình cảm, tâm tư, suy nghĩ của những người lính.
Tác phẩm chia làm 12 chương, mỗi chương là một sự kiện quan trọng liên quan đến việc chống tác chiến điện tử, mà trực tiếp là chống thủ đoạn gây nhiễu và đối phó với tên lửa chống radar của Mỹ. Chương thứ 12 với tên gọi “Trận chiến đấu cuối cùng” viết về cuộc chiến trên không - cuối năm 1972, là sự kiện quan trọng nhất, chiếm dung lượng nhiều nhất của sách. Theo nhận xét của tác giả, cuộc chiến này là tổng kết của những ngày đêm đối đầu máy bay Mỹ phá hoại trên bầu trời miền Bắc.
Là một quân nhân, lại là một chuyên gia kỹ thuật nên cách hành văn của Trung tướng Phan Thu khá ngắn gọn, súc tích. Mỗi câu văn đều chứa đựng nhiều thông tin, chi tiết. Ví dụ, ở chương 8, tác giả kể về việc: do chiếm được một dàn SAM 2 ở Trung Đông nên Mỹ nắm được tần số điều khiển tên lửa và đã lắp đặt thiết bị phát hiện tín hiệu này trên máy bay để khi bị bắn có thể chủ động ứng phó. Lợi dụng điều này, ta đã chế tạo ra thiết bị phát sóng điều khiển giả, tức là không có tên lửa nào phóng ra, nhưng tín hiệu thì cứ như là đang điều khiển tên lửa tấn công. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong chiến tranh Việt Nam, ta chủ động gây nhiễu đánh lừa địch.
Với dạng bút ký nên tác phẩm cũng không thiếu những trường đoạn nhẹ nhàng, đưa người đọc đến cuộc sống bình thường của những người lính trong chiến tranh như trong một lần thử nghiệm xe radar cơ động, do tính bảo mật của kế hoạch nên việc liên lạc phải thông qua mật mã. Trong lúc đang triển khai, một bức điện mật được gửi đến, sau công tác giải mã, hiệu đính đúng bài bản thì mới té ngửa ra là đơn vị báo tin vợ của tác giả Phan Thu vừa sinh em bé, mẹ tròn con vuông… Những chi tiết như vậy sẽ khiến người đọc cảm nhận từ Tập bút ký, một cuộc chiến tàn khốc, nhưng cũng rất xúc động bởi tình yêu, tình đồng chí, đồng đội.