Chuyện vượt khó giá trị hơn chuyện khoe nhà, khoe xe
Anh có từng giận ba mình không?
- Tôi không nhắc về ba vì đó đã là chuyện của quá khứ. Ba tôi hiện đã có cuộc sống riêng, tôi không muốn những chuyện về mình ảnh hưởng đến ba. Ba luôn là người tôi yêu quý, vì nếu không có ông, có lẽ sẽ không có một Nguyên Khang ngày hôm nay.
Tôi chưa bao giờ giận ba mình và sẽ không bao giờ. Tôi chỉ nghĩ mình không may mắn khi được trọn vẹn tình cảm của cả ba lẫn mẹ. Tôi nhớ có lần đi ăn sáng, nhìn thấy một đứa bé được ba chăm sóc, quan tâm, tôi đã nhìn cảnh đó thật lâu và mắt đỏ hoe. Có lẽ tôi ganh tị với đứa bé và suy nghĩ nếu là đứa bé kia, chắc tôi sẽ hạnh phúc lắm.
Bây giờ tôi đã lớn, đã hiểu được nhiều chuyện hơn. Tôi vẫn rất thương ông. Ông cũng vậy, thi thoảng lại nhắn cho tôi: “Sao dạo này ba ít thấy con trên tivi, có chuyện gì không?”, Với tôi, thế là đủ…
Những người có một tuổi thơ khốn khó thường có cái nhìn khá cẩn trọng về tiền bạc. Góc nhìn của anh về tiền bạc, về cách tiêu tiền như thế nào?
- Với tôi, từng đồng tiền kiếm được đều là mồ hôi và nước mắt. Để kiếm được nó, tôi đã vất vả như thế nào nên tôi chi tiêu rất cẩn thận. Tôi nhớ ngày còn sinh viên, tôi tiết kiệm từng tờ tiền lẻ gửi xe, nhiều lần như thế, cũng là một khoản kha khá, dành để mua sách vở hay đóng tiền xe những lần kế tiếp. Mẹ dạy tôi phải tập sống tiết kiệm, phòng nhỡ khi có chuyện còn có tiền phòng thân.
Hồi đó nhà tôi xa trường. Đôi khi tiết học bắt đầu rất sớm khoảng 6 giờ rưỡi. Tối tôi hay đi dạy kèm về trễ, thức khuya học bài nên đôi khi không thể dậy quá sớm. Tôi thi thoảng hay đến lớp trễ, vì năm đầu đại học tôi toàn đi xe đạp đến trường. Mà đi học trễ thì thiệt lắm, toàn ngồi cuối lớp, tôi không tập trung nghe giảng được. Sau đó, tôi quyết tâm phải đi học thật sớm để ngồi được bàn đầu, để theo kịp các bài giảng của thầy cô và các bạn giỏi. Sau này thấy tôi vất vả, cậu tôi cho mượn chiếc xe cúp 82, nó trở thành người bạn của tôi suốt 3 năm đại học. Mãi đến sau này khi ra trường, tôi dành dụm mãi mới mua được chiếc xe máy cho riêng mình, đến giờ tôi vẫn đi chiếc xe máy ấy đấy (cười).
Anh nghĩ sao khi bài viết về tuổi thơ khốn khó của mình lại được nhiều người đồng cảm như vậy?
- Thật ra, trong cuộc sống còn nhiều người khổ hơn tôi. Tôi nghĩ mình cũng chỉ một phần nhỏ trong những số phận ấy. Những gì tôi trải qua hy vọng sẽ là nguồn động lực cho những bạn đang gặp khó khăn trong cuộc sống, để các bạn có niềm tin, động lực để phấn đấu. Cá nhân tôi may mắn có nhiều người giúp đỡ và tôi cũng là không phải là người dễ đầu hàng số phận.
Có một cuốn sách tôi đã từng đọc nói rằng: 'Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi'. Chúng ta không ai có thể chọn lựa cho mình gia đình để sinh ra nhưng chúng ta có quyền chọn cho mình cách sống để thay đổi cuộc đời. Tôi rất thích những bài báo viết về những nghệ sĩ vượt khó như Khởi My lớn lên từ gánh củi của mẹ hay cuộc sống rày đây mai đó của Tăng Thanh Hà.
Những bài viết này mang tính giáo dục tốt với giới trẻ. Không phải người nổi tiếng nào cũng giàu. Đằng sau sự thành công của họ là những bài học quý giá dành cho giới trẻ. Muốn đổi đời thì phải nỗ lực bản thân. Những câu chuyện thế này giá trị gấp ngàn lần những bài viết về những cô chân dài khoe nhà triệu đô, xế hộp bạc tỉ, bộ quần áo ngàn đô… Với tôi, đó không phải là thước đo để đánh giá con người bây giờ và về sau.
Câu chuyện anh kể có nhắc đến ông Tanei Takeo người Nhật? Tại sao ông lại giúp đỡ anh?
- Như tôi đã chia sẻ, tôi may mắn khi có những người đồng hành cùng tôi trong những giai đoạn khó khăn. Và ông Tanei Takeo – một chuyên gia người Nhật là một người như thế. Tôi nhận được học bổng khuyến học của Hội Khuyến Học TP.HCM, mỗi một ân nhân sẽ đỡ đầu cho một sinh viên cho đến khi tốt nghiệp với điều kiện mỗi năm phải bảo đảm kết quả học tốt.
Tôi đã học rất nhiều từ người Nhật, từ ông – một người dù phải lao động vất vả để lo cho gia đình mình, nhưng chưa bao giờ ngừng lo lắng cho những sinh viên Việt Nam thông qua những suất học bổng đầy tình nghĩa. Ông tâm sự với tôi: "Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là không được từ bỏ, không được đầu hàng. Khi tôi giúp em, tôi không mong em đền đáp. Chỉ mong sau này khi có điều kiện, em hãy giúp đỡ lại cho những người khác, những người có hoàn cảnh vất vả như em. Mỗi một học bổng tôi trao cho các em, không phải chỉ là một món tài chính, mà đó là một hy vọng tôi gửi gắm, và tôi tin em sẽ làm tốt”.
Tôi đã rớt nước mắt với tình cảm của ông. Mỗi năm tôi đều viết thư kể cho ông nghe về kết quả học tập của mình. Đến bây giờ cũng đã hơn 10 năm, tôi vẫn đều đặn âm thầm làm công việc mà ông đã nhắn nhủ tôi, tôi trân trọng tình cảm đó. Mỗi năm, tôi lại tự tay làm những món quà gửi sang Nhật cho ông nhân sinh nhật. Món quà mới nhất chính là cuốn album lưu giữ những kỷ niệm của tôi với gia đình ông. Đó là những ký ức đẹp về những tháng ngày tôi sống ở Nhật khi còn là một cậu sinh viên nghèo với chỉ 100 đô la dằn túi khi đặt chân đến sân bay Narita.
Tôi như “hai lúa” vậy
Hiện tại, cuộc sống của anh như thế nào ngoài giờ làm việc?
- Cuộc sống của tôi hiện giờ cũng đơn giản. Ngoài giờ làm việc, tôi chơi thể thao, về nhà ăn cơm với gia đình và tối thì nghe nhạc đọc sách. Tôi dành nhiều thời gian đọc sách vì nó có ích cho bản thân tôi. Cuối tuần nếu rảnh tôi dẫn mẹ đi xem phim hoặc nghe nhạc.
Việc rèn luyện bản thân thì sao? Anh đang làm điều này như thế nào?
- Tôi từng học organ năm lớp 2, và tôi cũng từng học võ năm lớp 4. Tôi học Taekwondo, tôi học 7 năm liên tiếp và có huyền đai đệ nhị đẳng. Tôi chơi thể thao từ nhỏ để duy trì sức khỏe, vì mẹ muốn tôi phải mạnh mẽ và bản lĩnh trong cuộc sống.
Anh có hay đi chơi không? vào bar chẳng hạn? Và hàng hiệu thì sao?
- Tôi hay đi café trò chuyện với bạn bè, còn đi bar thì không, trừ phi tôi đi làm. Thậm chí, ở Sài Gòn có quán bao nhiêu quán bar, ở đâu nổi tiếng tôi cũng chẳng biết, cứ như “hai lúa” vậy. Tôi chọn trang phục miễn sao phù hợp với mình và tôn được mình nhiều nhất, hàng hiệu hay không cũng không quan trọng.
Nỗi sợ lớn nhất của anh là gì?
- Đó là không có tiền. Tôi từng rơi vào những giai đoạn không có một đồng trong túi.
Anh nghĩ điều gì đã làm nên tính cách luôn cố gắng, nỗ lực trong bản thân mình?
- Đó là tình yêu mẹ. Khi tôi nhìn thấy mẹ tôi quá khổ, tôi nghẹn ngào, tôi tự bắt mình phải nỗ lực. Nếu tôi không cố gắng, các em tôi sẽ thế nào? Tôi không thể để mẹ tôi phải vất vả mãi thế được. Từ nhỏ đến lúc này, mẹ tôi chưa một ngày sống sung túc. Bốn mẹ con lúc nào cũng lo lắng, lo người ta sẽ lấy lại nhà bất kỳ lúc nào, lo sẽ không trụ nổi ở cái đất Sài Gòn đắt đỏ này, lo mấy anh em lớn lên không theo đuổi tốt việc học…Thế nên, tôi như một đầu tàu, các em là các toa. Đầu máy có mạnh mới đủ sức kéo các toa chạy tốt trên đường ray. Tôi mà dừng lại, các em tôi cũng sẽ dừng lại theo tôi.
Theo tôi biết không phải ai gặp hoàn cảnh khó khăn, có người thân ốm yếu cũng có ý thức nỗ lực như vậy. Có nhiều người vẫn cứ nhởn nhơ như không...
- Tôi nghĩ nó là tính cách của mỗi người. Từ nhỏ, tôi được mẹ tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhiều hoạt động thiện nguyện. Tôi đi nhiều, gặp nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi trường thành hơn. Mỗi một khó khăn tôi vượt qua, nó lại tiếp thêm nhiều năng lượng mới cho tôi hơn. Ông bà vẫn nói: 'Hết cơn bĩ cực, đến hồi thái lai'. Và tôi tin mình sẽ không mãi khó như thế.
"Tôi muốn có một người yêu đồng cảm"
Tôi muốn hỏi, trên báo An ninh thủ đô năm 2013 anh nói mình nằm trong "hội độc thân", năm 2014 trên Zing lại có bài phỏng vấn - anh nói đã có người yêu 3 năm tại Hà Nội. Thực hư chuyện này thế nào?
- Thật ra tôi không muốn chia sẻ những gì về tình cảm riêng tư. Tất nhiên, đến giai đoạn này mà “ế” thì cũng lạ với một người như tôi. Thật ra, tôi có khá nhiều người thích mình, tôi không phủ nhận điều này, tất nhiên trong từng giai đoạn tôi chỉ thích một người. Cá nhân tôi nghiệm ra, cái gì mà tiết lộ thường nó không có bền. Nghe hơi hướng mê tín một chút, nhưng chuyện tình cảm và công việc đều như thế. Ngay như tôi kể về câu chuyện tình yêu 3 năm trên báo là sau đó tôi cũng đã… quay trở về hội độc thân.
Tại sao? Anh không có niềm tin vào tình yêu nam nữ à?
- Thật ra, tôi chỉ tình vào một thứ tình cảm duy nhất. Đó là tình mẫu tử. Còn những tình cảm khác, tôi nghĩ nó còn phụ thuộc vào duyên nợ. Đôi khi yêu nhau thắm thiết nhưng khi đã hết duyên thì đành kết thúc. Tôi chỉ mong khi kết thúc vẫn có thể là bạn bè.
Vậy anh sẽ yêu một cô gái có tính cách vươn lên trong cuộc sống giống như anh? hay anh chọn yêu một cô gái có ngoại hình xinh đẹp?
- Tôi ít khi nói về tình cảm. Vì tôi muốn mình là một ẩn số. Khi tôi vẫn còn là ẩn số với mọi người, tôi vẫn còn sức hấp dẫn. Và nếu được chọn, tôi xin chọn người có tính cách vươn lên trong cuộc sống như tôi, vì tôi tìm thấy được sự đồng cảm ở cô ấy khi yêu nhau.
Không dễ dãi với bản thân
Anh đối phó với những phản hồi tiêu cực và bất nhã trên mạng xã hội như thế nào? Có vẻ như điều này đang làm đau đầu khá nhiều người nổi tiếng.
- Tôi chọn cách im lặng. Họ muốn nói gì thì quyền của họ. Còn tôi có nghe hay không là quyền của tôi. Nhưng những người ấy sẽ chẳng bao giờ làm tôi bị ảnh hưởng, vì tôi chọn cách sống im lặng trước những hành động khiếm nhã đó. Thời gian và những gì tôi làm, nếu bạn là người sâu sắc và tinh ý, chắc chắn sẽ hiểu tôi.
Tình huống nào trong cuộc sống từng khiến anh khó xử nhất?
- Đó là khi tôi đi ra ngoài. Mọi người đều bảo nhìn ngoài đời trẻ và đẹp trai hơn trên tivi trong khi ngoài đời tôi lại ít trau chuốt bản thân hơn.
Có kiểu tính cách nào mà anh không thích không? Ví dụ như tính lười biếng hay tự ti chẳng hạn?
- Đó là sự dễ dãi của bản thân. Một bộ phận bạn trẻ khi đi học chỉ nghĩ học cho qua, học cho bố mẹ, học đế lấy bằng… Sự dễ dãi trong tư tưởng khi còn ngồi trên ghế nhà trường vô hình chung sẽ kéo theo sự dễ dãi khi đi làm. Bạn sẽ nghĩ làm cho hết giờ, mà không nghĩ rằng làm để tích lũy kinh nghiệm, làm để học, làm để vươn lên những vị trí cao hơn. Có câu nói rằng: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận”. Muốn thay đổi con người, nên bắt đầu từ những thay đổi suy nghĩ.
Mơ ước của anh có phải là Khang's show?
- Đó là mơ ước của tôi. Tôi vẫn rất khao khát thực hiện talkshow ấy cho riêng mình. Bây giờ, tôi vẫn chưa đủ cơ hội để thực hiện nó, nhưng tôi sẽ vẫn nuôi dưỡng ước mơ. Vì với tôi, talkshow là đỉnh cao của nghệ thuật dẫn chương trình. Chỉ với một cuộc nói chuyện của hai người, kéo được khán giả không chuyển kênh, đó là cả một nghệ thuât. Những MC nổi tiếng trên thế giới như Ellen (The Ellen DeGeneres Show), Oprah (The Oprah Winfrey show), Larry King (Larry King Live), tại sao tôi lại không thể?
Xin cảm ơn Nguyên Khang, chúc anh thực hiện được mơ ước của mình!