5 điểm sai nổi bật của Trung Quốc trong vụ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển của Việt Nam

PV-Chủ nhật, ngày 11/05/2014 17:17 GMT+7

Ông Nguyễn Hùng Sơn đưa ra những phân tích sát sao về vụ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc

Nhận định về hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc tại vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông - cho rằng quốc gia này đã có 5 điểm sai nổi bật trong đó có vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm thoả thuận với các nước ASEAN, thoả thuận song phương với Việt Nam...

Trong tuần qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) trái phép nằm sâu trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam là hành động gây phẫn nộ dư luận Việt Nam và thế giới, gây quan ngại đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế, đe dọa an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông. Chính phủ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đã gọi hành động của Trung Quốc là hành động khiêu khích, là hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Trao đổi tại chương trình Toàn cảnh thế giới, ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông - cho rằng Trung Quốc đã có 5 điểm sai nổi bật trong vụ việc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam.

PV: Ý kiến của các quan chức chính phủ, rồi các nhà phân tích trong khu vực đều cho rằng, việc Trung quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 trái phép và điều tới 80 tàu vào sâu vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của VN là một hành động khiêu khích, nguy hiểm và mưu toan thay đổi hiện trạng trên biển Đông bằng vũ lực. Các chuyên gia, các nhà phân tích cũng cho rằng đây là bước đi nhằm thực hiện yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hùng Sơn: Đúng như vậy! Sự kiện đang diễn ra trên biển Đông là một bằng chứng rõ ràng nữa chứng tỏ Trung Quốc đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu độc chiếm biển Đông và hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. Cụ thể, trong vụ việc hạ đặt giàn khoan này, chúng tôi thấy Trung Quốc có 5 điểm sai nổi bật.

Thứ nhất, Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Đó là sự vi phạm Công ước luật biển năm 1982 (trong đó, Trung Quốc là thành viên) vì Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam một cách đơn phương, không có sự cho phép của Việt Nam. Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì Trung Quốc không đàm phán để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và từ chối đàm phán với Việt Nam. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ. Đó là một điều mà luật pháp quốc tế nghiêm cấm.

Thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận của mình với các nước ASEAN – Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Với Tuyên bố này, các bên đồng ý giữ nguyên trạng ở biển Đông nhưng việc Trung Quốc đang cố tình phá vỡ nguyên trạng đó là một sự vi phạm. Trong tuyên bố DOC này, điều 4 có quy định rằng các bên phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng rõ ràng Trung Quốc đang làm điều ngược lại. Tại điều 5 cũng quy định, các bên phải kiềm chế và không làm phức tạp hóa tình hình và Trung Quốc lại làm điều ngược lại bằng hành động hạ đặt giàn khoan trái phép, từ chối đàm phán và điều rất nhiều tàu quân sự, bán quân sự ra vùng biển Việt Nam.

Thứ ba, Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận song phương với Việt Nam đã đạt được vào tháng 10/2011. Điều rõ ràng nhất là ở nguyên tắc 6 điểm về giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển. Ở đó, 2 bên đã thỏa thuận rất rõ ràng rằng sẽ biến biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Nhưng Trung Quốc lại đang có những hành động rất thiếu hữu nghị. Hai bên cũng đã nhất trí sẽ tuân thủ và dựa vào Công ước luật biển để tìm kiếm các giải pháp lâu dài trên biển Đông, thỏa thuận sẽ tập trung đàm phán phân định cửa vịnh Bắc bộ và tìm kiếm các khu vực để hợp tác cùng phát triển. Rõ ràng, Trung Quốc đang không thực hiện các thỏa thuận này.

Thứ tư, Trung Quốc đang đi ngược lại chính những lời lẽ, đề xuất của mình với các nước láng giềng. Cách đây không lâu, tháng 10/2011, trong các chuyến đi của lãnh đạo cấp cao của nhà nước Trung Quốc đến các nước ASEAN, Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều đề nghị tốt đẹp với các nước láng giềng như việc ký kết Hiệp ước Láng giềng tốt, thân thiện và hợp tác với các nước ASEAN. Nhưng các việc làm hiện tại đang thể hiện Trung Quốc không theo tinh thần mà Trung Quốc đề xuất. Trung Quốc cũng đề xuất với ASEAN, sẽ biến kỷ nguyên hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc từ kỷ nguyên vàng trong 10 năm qua sang một kỷ nguyên kim cương nhưng không thực hiện được điều này. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đề xuất với ASEAN sẽ cùng xây dựng “con đường tơ lụa” trên biển nhưng chúng ta lại chỉ đang thấy “sắt thép”. Đó là sự vi phạm rất trắng trợn chính những lợi ích của Trung Quốc.

Thứ năm, Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích chung, mong muốn chung của cộng đồng khu vực và thế giới. Cả thế giới đang mong muốn khu vực này duy trì được hòa bình, ổn định để tập trung vào phát triển kinh tế, tranh thủ các điều kiện kinh tế để tạo ra nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực. Song, việc làm của Trung Quốc đang gây rối cho khu vực và ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định đó. Các bên cũng mong muốn, ASEAN và Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh thực thi DOC nhưng Trung Quốc lại đang vi phạm. Các bên cũng đang mong muốn ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phám COC nhưng việc làm của Trung Quốc đang thách thức các mong muốn, nguyện vọng đó.

PV: Vậy, cục diện an ninh trên biển Đông đứng trước trạng thái bị đe dọa như thế nào sau hành động này?

Ông Nguyễn Hùng Sơn: Tôi cho rằng, qua phát biểu của các quốc gia ở trong và ngoài khu vực đã cho thấy họ đang rất quan ngại về tình hình an ninh, môi trường hòa bình và ổn định chung của khu vực. Không những họ quan ngại thật sự về ảnh hưởng của vụ việc này đến tuyến đường hàng hải trên biển Đông mà còn quan ngại về cách hành xử của một nước lớn đối với một nước nhỏ - một nước láng giềng, cũng như đối với Luật pháp quốc tế.

Họ rất lo ngại rằng nếu Trung Quốc ứng xử như vậy với một nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như Việt Nam thì liệu Trung Quốc sẽ ứng xử như thế nào đối với các nước láng giềng khác và liệu có sự vi phạm luật pháp quốc tế nào khác của Trung Quốc và trật tự của thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề riêng của biển Đông, của Việt Nam – Trung Quốc mà là một quan ngại chung của cả khu vực và thế giới...

Để có thể lắng nghe chi tiết những phân tích của ông Nguyễn Hùng Sơn, quý vị và các bạn có thể theo dõi lại chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước