Sự kiện đẫm máu ngày 14/8 tại Ai Cập vừa qua diễn ra chỉ 2 năm sau ngày Tổng thống Mubarak bị lật đổ cũng bằng những cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước. Niềm hân hoan và hy vọng về một nền dân chủ thực sự của người dân Ai Cập sau sự ra đi của một vị Tổng thống vốn tại vị trong suốt hơn 3 thập kỷ giờ đây đã trở thành bi kịch. Một vị Tổng thống mới được chính người dân bầu lên cũng không thể giải quyết ngay tất cả mọi vấn đề khó khăn của đất nước, mà đặc biệt là không thể xóa nhòa được sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ai Cập. Hai năm sau cuộc lật đổ Tổng thống Mubarak, người dân nước này đang dần dần nhận ra một thực tế đau đớn rằng việc lật đổ một chế độ cầm quyền lâu năm dễ hơn rất nhiều việc có được một Chính phủ đủ năng lực để thay thế nó.
Cách đây 2 năm, đất nước Ai Cập như trong một giấc mơ. Người dân Ai Cập cảm thấy như bước vào một giai đoạn khởi đầu mới với những hy vọng ngập tràn về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, bầu trời hy vọng đó đã nhanh chóng bị bao trùm bởi sự bế tắc về chính trị, những xung đột và chia rẽ phe phái và thêm vào đó là những khó khăn của nền kinh tế trì trệ.
‘ Sau 2 năm, giấc mơ về một tương lai tốt đẹp của người dân Ai Cập chỉ còn là những cuộc biểu tình bạo lực và đẫm máu. (Ảnh: AFP)
Cũng giống như những cuộc nổi dậy tại các quốc gia Arab khác, cái gọi là cuộc “Cách mạng năm 2011” tại Ai Cập không những không mang lại điều gì tốt đẹp, mà trái lại, còn kéo theo sự thất vọng và bất bình của cả một thế hệ thanh niên mới. Khoảng 60% dân số của toàn bộ khu vực Trung Đông ở độ tuổi dưới 30. Sau những cuộc nổi dậy được gọi là “Cách mạng” ấy, họ nhận ra rằng trong cái xã hội mà cuộc cách mạng đó đem lại không có chỗ cho họ và những mong muốn chính đáng của họ về một cuộc sống bình yên sẽ không bao giờ được thỏa mãn.
Đó chính là lý do khiến ông Morsi, thủ lĩnh của Tổ chức Anh em Hồi giáo, vị Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập nhanh chóng bị phế truất. Tuy nhiên, sau 80 năm nỗ lực đấu tranh để giành quyền lực, chắc chắn Tổ chức này sẽ quyết tâm đoạt lại cơ hội nhằm đưa Ai Cập theo một con đường mà họ đã chọn.
Sự đối đầu không nhượng bộ giữa Chính phủ được quân đội hậu thuẫn và Tổ chức Anh em Hồi giáo được cho là báo hiệu về một vòng xoáy bạo lực không điểm dừng.
Một người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không rời khỏi quảng trường này. Chúng tôi phải đòi lại công lý cho những người anh em đã thiệt mạng”.
Và một người ủng hộ khác khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ sử dụng vũ lực. Chúng tôi sẽ chấm dứt chế độ quân sự bằng con đường hòa bình”.
Một lần nữa, đất nước Ai Cập lại bị đặt dưới tình trạng khẩn cấp, một bộ luật trao cho chính quyền những quyền lực khắc nghiệt.
Cả lực lượng Hồi giáo Anh em lẫn lực lượng quân đội Ai Cập đều có một niềm tin rằng tương lai của thế hệ trẻ đang bị đe dọa. Thế nhưng họ lại không chia sẻ những quan điểm về tương lai của Ai Cập. Các nhà bình luận đều cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là tất cả các bên tại Ai Cập cần phải hợp tác với cùng một mục tiêu vì một xã hội hòa bình và tốt đẹp. Tuy nhiên, vào thời điểm này, điều đó chưa xảy ra còn những mâu thuẫn vẫn đang bùng phát thành những vụ bạo lực trên các đường phố. Và đó chính là bi kịch sau cuộc “Cách mạng năm 2011”.