Liên minh châu Âu đã rất thận trọng khi không sử dụng kinh tế để tạo sức ép lên Liên bang Nga. Các nước thành viên Liên minh châu Âu duy trì quan hệ giao thương với Nga ở mức độ 460 tỷ USD mỗi năm, nhiều tập đoàn lớn của Tây Âu kinh doanh trên lãnh thổ Nga. Trong khi đó Nga không có nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư ở Tây Âu. Các biện pháp cấm vận, nếu gây thiệt hại cho Nga cũng sẽ gây thiệt hại tương đương cho Tây Âu.
Ông Carsten Brzeski, Chuyên gia tài chính, Ngân hàng ING Bruxelles cho rằng: "Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt từ Nga do vậy có nhiều ràng buộc. Có rất nhiều công ty của Đức đầu tư vào Nga, vì Nga được cho là thị trường có tiềm năng tăng trưởng tốt đối với nhiều doanh nghiệp".
Khí đốt là một đề tài nhạy cảm giữa các nước Tây Âu và Nga. Tây Âu không có đủ khí đốt, nước Nga thì dư thừa. Khí đốt đóng góp phân nửa cho ngân sách quốc gia Nga, 80% xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga là sang Tây Âu. Nếu Nga đóng van khí đốt, dĩ nhiên các nước Tây Âu sẽ khốn đốn do thiếu năng lượng. Thế nhưng Nga cũng sẽ thiệt hại lớn, vì mất một nguồn thu quan trọng, từ đó có thể làm cho đồng tiền mất giá và khủng hoảng ngân hàng bùng phát. Các nước có đường ống dẫn khí chạy qua, như Bulgarie, Slovakia, Ukraine cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh bất thường hôm thứ 5 vừa rồi, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cũng đã nhắc tới đề tài nhạy cảm này, nhưng lồng trong ý về tình hình tại Ukraine chứ không nhắc tới Nga.
"Chúng tôi đã thảo luận về an ninh năng lượng. Vì an ninh năng lượng cần thiết cho sự ổn định và an ninh của Ukraine. Châu Âu sẽ tham gia hiện đại hóa hệ thống vận chuyển dầu khí qua Ukraine" - Ông Manuel Barroso, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu nói.