Chủ tịch Liên minh Dân tộc (SNC) đối lập tại Syria, ông Ahmad Jarba trong cuộc họp báo về Hội nghị Geneva 2. (Ảnh: AFP)
Trước đó, đặc phái viên quốc tế về Syria, ông Brahimi đã phải tiến hành các cuộc gặp như con thoi giữa hai bên nhằm đảm bảo sự sẵn sàng tham gia của họ. Trong các cuộc đàm phán này, vai trò của tổng thống Syria Bashar al-Assad là vấn đề tranh cãi mấu chốt giữa hai bên. Và người ta quan tâm đến thái độ của nước Mỹ trong cuộc tranh cãi đang diễn ra.
Lần đầu tiên sau 3 năm nội chiến, đại diện chính phủ Syria và lực lượng đối lập ngồi chung một phòng họp với sự tham gia của đặc phái viên quôc tế về Syria, ông Brahimi.
Chưa thể biết cuộc đàm phán này kéo dài đến đâu và kết quả của nó sẽ như thế nào, khi quan điểm của hai bên vẫn rất nhiều khác biệt.
Trong khi chính phủ Syria muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đấu tranh chống khủng bố-ám chỉ lực lượng đối lập, thì lực lượng đối lập lại muốn loại bỏ Tổng thống Assad trong quá trình chuyển tiếp tại Syria.
Tình thế bế tắc này cần đề vai trò của các nước bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria.
Từ Davos, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn tiếp tục bác bỏ mọi giải pháp có tính đến vai trò của Tổng thống Basar al Assad.
Ông John Kerry, ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Chúng tôi không hợp tác với ông Assad, chúng tôi không làm việc với ông ta. Ông Assad không phải là người bảo vệ Syria khỏi chủ nghĩa khủng bố”.
Ông Kerry hứa hẹn rằng, nếu cuộc đối thoại giữa phe đối lập Syria và chính quyền Assad đạt được thỏa thuận, rất nhiều nước sẽ gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Syria và cung cấp viện trợ cho quốc gia Trung Đông này.
Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận một điều rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad chưa sẵn sàng từ bỏ quyền lực trong thời điểm này để tạo điều kiện cho quá trình chuyển tiếp tại Syria.
Lời thừa nhận này mang đến cảm giác hoài nghi về cuộc đàm phán đang diễn ra.