Chính quyền Mỹ trước áp lực điều chỉnh chiến lược chống khủng bố

Trường Sơn-Thứ ba, ngày 06/08/2013 12:53 GMT+7

Nước Mỹ đang đứng trước một mối đe dọa của các cuộc khủng bố mới sau các cuộc tấn công nhà tù giải thoát hàng trăm phần tử khủng bố Al-Qaeda.

Mối đe dọa đó đã buộc Bộ Ngoại giao Mỹ phải đóng cửa một loạt các đại sứ quán và đưa ra lời cảnh báo đối với những công dân Mỹ ở nước ngoài về khả năng bị tấn công khủng bố. Và ngay lập tức, đã xuất hiện nhiều ý kiến, đặc biệt là từ Đảng Cộng hòa, chỉ trích chiến lược chống khủng bố mà họ cho là không rõ ràng của Chính quyền Tổng thống Obama.

‘ Cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama đang xem nhẹ mối đe dọa khủng bố khi Nhà trắng cho rằng Al-Qaeda đã bị đánh bại, và nước Mỹ có thể quay trở lại cách tiếp cận chống khủng bố bằng các lực lượng thực thi pháp luật trong nước.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ cho biết: “Những tuyên bố của chính quyền Obama, rằng mối đe dọa khủng bố đang giảm bớt là rất nguy hiểm. Công khai hạ thấp mức độ của mối đe dọa, mà theo tôi thực ra là đang tăng lên, cũng chính là khuyến khích kẻ thù và gửi đi một tín hiệu là chúng ta thiếu quyết tâm trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng khẳng định, việc đóng cửa một số đại sứ quán của Mỹ và khuyến cáo công dân Mỹ không nên tới một số quốc gia nguy hiểm chỉ là những giải pháp trước mắt. Vào thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Obama cần phản ứng hết sức thận trọng trước những lời đe dọa khủng bố, dù chưa rõ ràng. Còn về lâu dài, nước Mỹ vẫn cần duy trì một chiến lược chống khủng bố ở mức cao.

Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ nói: “Điều rất quan trọng là chúng ta phải thực sự xây dựng một kế hoạch phù hợp khi lễ Ramadan đang đến gần. Chúng ta đều biết đây là thời điểm ưa thích của bọn khủng bố. Chúng ta cũng chỉ còn hơn 30 ngày nữa là đến ngày kỉ niệm sự kiện 11/9. Nên chúng ta phải rất quan tâm tới thông tin về các âm mưu khủng bố. Và tôi có thể nói đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây”.

“Cuộc chiến chống khủng bố hiện nay, ở mức độ đơn giản nhất cũng cần một chiến lược liên hoàn ở tầm quốc gia và quốc tế. Chúng ta không thể quay lại chiến lược trước thời điểm 11/9 với cách nhìn nhận chủ nghĩa khủng bố chỉ như một vấn đề nội địa, một vấn đề của lực lượng thực thi pháp luật trong nước và cũng không thể chỉ giải quyết nó bằng chiến lược quân sự đơn thuần. Chúng ta cũng không thể chỉ sử dụng những ngôn từ đơn giản như “chủ nghĩa khủng bố”, hay chủ nghĩa “Hồi giáo cực đoan” để mô tả vấn đề này. Chúng ta phải gọi mối đe dọa khủng bố theo đúng tên của nó và sử dụng mọi công cụ có thể để chiến đấu với nó”, Hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ cho biết thêm.

Theo một số nhà lập pháp Mỹ, mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ không hề giảm đi so với thời điểm trước vụ khủng bố 11/9 như đánh giá của Nhà Trắng. Al-Qeada tuy không còn tập trung, nhưng đã phân tán ra nhiều nơi, sử dụng công nghệ để tuyển mộ thành viên và gia tăng ảnh hưởng. Và chiến trường chống khủng bố sẽ vẫn rộng khắp ở tất cả mọi nơi.

Theo kế hoạch của Nhà trắng, Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan và Iraq vào năm 2014, điều chỉnh chiến lược chống khủng bố theo hướng giảm sự can thiệp trực tiếp ở các địa bàn, chia sẻ gánh nặng chống khủng bố với các đồng minh, các quốc gia có liên quan. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi nước Mỹ đang đứng trước một mối đe dọa an ninh mới thì câu hỏi đặt ra là liệu những thay đổi chính sách đó của Nhà Trắng có cần phù hợp. Đây cũng sẽ là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước