Cộng đồng quốc tế lo ngại về tình hình Iraq

Vân Ly, Bích Thảo-Thứ sáu, ngày 13/06/2014 19:30 GMT+7

Phiến quân ISIS tràn vào thành phố Tikrit. (Ảnh: Thenews)

Hội đồng Bảo an LHQ đêm 12/6 đã có cuộc họp kín 2 giờ đồng hồ về tình hình Iraq. 15 nước thành viên đã đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại khẩn mang tính toàn diện tại Iraq và lên án các hoạt động khủng bố.

Những diễn biến ngày càng xấu đi tại Iraq đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Hội đồng bảo an LHQ, Iran, Mỹ đều bày tỏ quan ngại, thậm chí cân nhắc khả năng trợ giúp Chính phủ Iraq chống lại các phiến quân Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, các giải pháp đều chưa rõ ràng.

Hội đồng Bảo an LHQ đêm 12/6 đã có cuộc họp kín kéo dài 2 giờ về tình hình Iraq. 15 nước thành viên đã đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại khẩn mang tính toàn diện tại Iraq và lên án các hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, phiên họp đã không cân nhắc tới một hành động quân sự nhằm chống lại các tay súng hồi giáo cực đoan đang tiến về Thủ đô Baghdad, Iraq.

Ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại LHQ cho biết: “Các thành viên của Hội đồng Bảo an nhất trí ủng hộ chính phủ và người dân Iraq trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố".

Lời ủng hộ tương tự cũng được Tổng thống nước láng giềng Iran gửi tới chính phủ Iraq, nhưng hiện chưa rõ sự hỗ trợ của Iran sẽ ở mức độ nào.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: “Chúng tôi không chấp nhận khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta đã nhất trí tại LHQ rằng sẽ chiến đấu tới cùng để chống lại bạo lực, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố trong khu vực và trên toàn thế giới”.

NATO cho biết sẽ theo dõi sát sao tình hình Iraq. Ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký NATO chia sẻ: "Tôi không nhìn thấy vai trò của NATO ở Iraq nhưng chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình Iraq".

Lo ngại thành quả cuộc chiến 10 năm của nước Mỹ bị sụp đổ, từ Washington, Tổng thống Obama cho biết không loại trừ bất kỳ phương án nào, kể cả giải pháp quân sự, để cứu nguy tình hình Iraq.

Tổng thống Mỹ Barack Obamacho biết: “Những gì xảy ra trong 2 ngày qua cho thấy rằng Iraq cần nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Các nhà chức trách Mỹ đang cân nhắc xem làm thế nào để có thể hỗ trợ hiệu quả nhất cho Iraq. Tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào bởi vì chúng tôi muốn đảm bảo rằng các nhóm thánh chiến sẽ không có một chỗ đứng nào ở Iraq”.

Gần đây nhất, Mỹ tuyên bố có thể tiến hành oanh kích nhằm ngăn chặn bước tiến của phiến quân Hồi giáo Sunni, nhưng chưa có kế hoạch gửi quân tới thực địa, bởi đã không dễ dàng khi quân Mỹ rút khỏi bãi lầy Iraq hơn 2 năm trước.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước