Cỗ máy chiến tranh của Mỹ và các đồng minh châu Âu đang lao dốc với những tuyên bố mang tính cứng rắn và kiên quyết của các nhà lãnh đạo phương Tây bỗng nhiên giảm tốc và tạm thời dừng lại khi tuần qua xuất hiện một đề xuất mang tính đột phá của Nga.
Đề xuất này ngay lập tức được dư luận hoan nghênh và được xem như một bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng Syria. Nó đã đem lại những hy vọng mới về một giải pháp chính trị cho vấn đề vũ khí hóa học tại Syria, vấn đề đang được coi là nguyên nhân khiến chính quyền Damascus phải đối mặt với một sự trừng phạt quân sự từ phía Mỹ và phương Tây.
Cuộc khủng hoảng Syria trong gần 1 tháng qua có những lúc tưởng chừng như đã cận kề với một cuộc chiến. Những lời kêu gọi trừng phạt mạnh mẽ chính quyền Syria về việc tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học, dù chưa hề có kết luận chính thức của phái đoàn điều tra LHQ, liên tục được nhắc đi nhắc lại. Các loại tàu chiến liên tiếp được điều tới khu vực Địa Trung Hải. Nhưng kịch tính của cuộc khủng hoảng này đã xuất hiện trong tuần này khi Nga đưa ra đề xuất về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế. Và giờ đây, dư luận đang hồi hộp chờ đợi kết quả của sự thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc được xem là những quân bài chính trên bàn cờ của cuộc khủng hoảng Syria hiện nay.
Liệu đề xuất của Nga có được chấp thuận? Tính khả thi của kế hoạch này ra sao? Liệu đây có phải là một lối thoát cho tất cả các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Syria tránh rơi vào kịch bản xấu nhất của một cuộc chiến tranh không ai mong muốn? Nguy cơ chiến tranh có thực sự bị đẩy lui? Câu trả lời sẽ có trong chương trình Toàn cảnh thế giới với sự tham gia của chuyên gia nghiên cứu quốc tế, Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị - Quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao cũng như những đóng góp của các phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tại Mỹ và Nga.