Đại diện hai Đảng họp báo về kết quả cuộc họp hôm 3/3. (Ảnh: Vietnamplus)
Hai bên thống nhất sẽ còn gặp nhau thêm nhiều lần nữa để trao đổi một cách có chiều sâu nhằm tìm ra phương pháp tốt nhất cho cải cách cơ chế bầu cử.
Cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Hỗn hợp hai đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và đảng Cứu quốc đối lập của ông Sam Rainsy trong sáng nay kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ mà không ra được tuyên bố chung.
Tại buổi họp báo, đại diện hai Đảng cho biết, trong cuộc gặp lần thứ hai này mỗi đảng nêu ra một chủ đề để hai bên cùng trao đổi với nhau. Đảng Cứu quốc đối lập của ông Sam Rainsy thì đưa ra chủ đề về cải cách Ủy ban Bầu cử Quốc gia, tức là cơ quan tổ chức bầu cử còn phía Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền thì nêu chủ đề về sự độc lập và đúng đắn của các tổ chức phi chính phủ liên quan đến bầu cử.
Trả lời báo chí, đại diện hai đảng cho biết, Ủy ban Hỗn hợp của hai Đảng sẽ còn nhóm họp nhiều lần nữa để đi đến thống nhất có chiều sâu và rõ ràng trong cải cách cơ chế bầu cử.
Ông Son Chhay, nghị sĩ đảng Cứu quốc đối lập cho biết: “Việc trao đổi kéo dài sẽ giúp cho hai bên hiểu nhau hơn. Như chúng ta biết trong cải cách bầu cử này có rất nhiều việc, cho nên cần nêu ra những điểm lớn để trao đổi có chiều sâu về kỹ thuật cũng như chính trị ngay từ đầu. Ủy ban Hỗn hợp đã tiếp tục trao đổi để đi đến thống nhất giữa hai bên”.
Ông Binh Chhinh, Phó Thủ tướng Campuchia, Đảng Nhân dân Campuchia nói: “Chúng ta cần thời gian dài ngày để trao đổi được rõ ràng, việc quan trọng này chúng ta cần phải rất thận trọng. Khi chúng ta có cách thức cải cách rõ ràng thì chúng ta mới đưa ra diễn đàn quần chúng để tiếp nhận ý kiến của người dân và hai bên sẽ tiếp tục trao đổi với nhau”.
Thông tin bên lề cho biết, vấn đề nghị sĩ Quốc hội chỉ được phép mang một quốc tịch Campuchia cũng có thể sẽ được đảng Nhân dân Campuchia đưa ra trao đổi trong cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp lần tới.
Qua cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Hỗn hợp của hai chính đảng có ghế trong Quốc hội khóa V ở Campuchia cho thấy cả hai bên đều đang cố gắng tìm tiếng nói chung trong việc cải cách cơ chế bầu cử. Nhưng có thể nói, hai bên vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều nhau về nhiều lĩnh vực, cần phải có thời gian trao đổi để hiểu biết nhau nhiều hơn.