Iran có triển vọng trong giải quyết khủng hoảng hạt nhân

VTV-Thứ ba, ngày 22/10/2013 11:30 GMT+7

 Trao đổi với PV trong chương trình “Toàn cảnh thế giới”, Đại tá Lê Thế Mẫu – Nhà bình luận quốc tế, Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Quốc phòng đã khẳng định vấn đề giải quyết khủng hoạt hạt nhân ở Iran là rất có triển vọng trong thời gian tới.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài suốt 1 thập kỷ qua đã từng đẩy quốc gia này đứng trước nguy cơ của một cuộc tấn công quân sự từ Mỹ và đồng minh Israel khi mối quan hệ giữa hai bên bị đẩy lên tới mức căng thẳng cực độ. Tuy nhiên, kể từ khi Iran có một vị Tổng thống mới theo đường lối ôn hòa, đất nước này đã có những thay đổi trong chính sách đối ngoại theo hướng mềm dẻo hơn so với chính quyền tiền nhiệm với mục đích dần cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây, phá bỏ thế cô lập với cộng đồng quốc tế khiến nền kinh tế bị kiệt quệ.

Cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức vừa diễn ra trong hai ngày 15 & 16/10 tại Geneve, Thụy Sĩ do Iran chủ động đề xuất được xem là một bước khởi đầu cho một tiến trình xóa bỏ thù hận, xây dựng lòng tin dẫn tới một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran trong tương lai.

‘ Đại tá Lê Thế Mẫu (phải) trao đổi cùng PV trong chương trình "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV News)

Đánh giá về đề xuất của Iran trong cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1 tại Geneva, Thụy Sỹ, đại tá Lê Thế Mẫu cho biết: “Qua nghiên cứu hồ sơ hạt nhân của Iran trong suốt những năm vừa qua, tôi cho rằng đây là một điểm khởi đầu mới có tính bước ngoặt trong việc hóa giải chương trình hạt nhân của Iran xét trên 3 bình diện: ý chí chính trị của các bên, các giải pháp đề xuất và tính khả thi của các giải pháp… Tuy mới là những bước khởi đầu song vẫn có tính bước ngoặt nhất định, nếu không muốn nói là đột phá!”.

Cuộc đàm phán tuy không đưa ra những chi tiết cụ thể về kế hoạch giải quyết thế bế tắc trong cuộc khủng hoảng hạt nhân nhưng Iran cũng tỏ rõ một điều kiên quyết rằng họ sẽ không không chuyển uranium được làm giàu ở cấp độ thấp ra khỏi nước này. Đồng thời, họ cũng khẳng định quyền bảo vệ chương trình hạt nhân của mình.

“Thoạt nhìn qua thì yêu cầu này của Iran có vẻ cứng rắn và khó để các nước phương Tây chấp nhận. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, khi Iran đã minh bạch hóa một cách tối đa và xóa bỏ mọi sự nghi ngại của các nước phương Tây về chương trình hạt nhân của họ thì việc họ làm giàu uranium trên lãnh thổ của Iran là hoàn toàn chính đáng và có tính khả thi, dễ dàng để các nước phương Tây chấp nhận.

Một khi họ đã khẳng định được tính minh bạch của hồ sơ hạt nhân của Iran và đồng thời, các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của Iran thì việc họ làm giàu ở đâu không phải là vấn đề quan trọng” – Đại tá Lê Thế Mẫu nhận định về quan điểm của Mỹ và phương Tây trong vấn đề giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở Iran.

‘ Đại tá Lê Thế Mẫu đưa ra những nhận định xác đáng về cơ hội mới cho cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran trong thời gian tới (Ảnh: VTV News)

Khi được hỏi về lý do khiến Mỹ và Iran đều có những thiện chí rõ ràng trong lần đàm phán này, Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng: “Trong cuộc “đối đầu” giữa Mỹ và Iran trong hồ sơ hạt nhân, cả hai bên đều đã kiệt sức. Mỹ ra sức áp dụng lệnh cấm vận với Iran song không thu được hiệu quả. Mặt khác, lệnh cấm vận này lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và các nước châu Âu. Nếu Mỹ sử dụng các giải pháp quân sự với Iran, cũng không giải quyết được vấn đề này. Nên, trong điều kiện hiện nay, Mỹ cần phải có một giải pháp mới để giải quyết vấn đề Iran.

Còn với Iran, dù đã tuyên bố lệnh cấm vận của Mỹ đối với quốc gia này không có tác dụng nhưng trên thực tế, trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, lệnh cấm vận của Mỹ sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế của Iran và làm cho quốc gia này khó có thể phát triển được.

Vì thế, cả Mỹ và Iran đều nhận thấy rằng họ cần “xuống thang”, cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp hai bên có thể chấp nhận được trong điều kiện cả Mỹ và Iran đều gặp khó khăn nhất định cả về chính sách đối nội và đối ngoại”.

Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ tuy chưa đem lại kết quả đột phá nào nhưng cũng tạo ra một bầu không khí tích cực từ cả hai phía. Đại tá Lê Thế Mẫu cũng khẳng định: “Triển vọng giải quyết là rất rõ nét nhưng Iran cần thận trọng hơn nữa trong vấn đề này. trong thời gian này, các bên có thể thỏa thuận với nhau một cách cơ bản về những giải pháp để có thể hóa giải tất cả mối lo ngại, những nghi kỵ, mâu thuẫn trong vấn đề hồ sơ hạt nhân của Iran. Sau đó, họ sẽ cần một khoảng thời gian khá dài để giải quyết tất cả vấn đề khủng hoảng hạt nhân”.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chi tiết những đánh giá của Đại tá Lê Thế Mẫu trong chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước