Một nhóm Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq. (Ảnh: AP)
Tình hình chiến sự tại Iraq đang diễn biến chóng vánh và tuột khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ, khi phiến quân Hồi giáo dòng Sunni tự xưng là thuộc Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, đánh chiếm thêm các thành phố lớn và đang tiến thẳng về Thủ đô Baghdad. Diễn biến này đang đe dọa tương lai Iraq như là một quốc gia thống nhất.
Các chiến binh Hồi Giáo cực đoan dòng Sunni hôm 12/6 đã tiến về Thủ đô Baghdad từ hai hướng và hiện còn cách Thủ đô khoảng 90 km.
Trước đó, lực lượng này đã đánh chiếm thêm Tikrit, bắt hàng trăm cảnh sát làm tù nhân diễu hành trên các đường phố trước sự chứng kiến của người dân.
Lo ngại xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Kirkouk, khu vực giàu dầu lửa, lực lượng người Kurd đã vội vàng giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này và khu vực xung quanh, sau khi quân đội Iraq rút đi. Sự bất lực của quân đội Iraq khiến người dân vừa lo sợ vừa bất bình.
Ông Zaid Abdul Wahab cho biết: "Quân đội ở đâu? Chúng ta đã chi hàng tỷ USD để vũ trang cho quân đội kể từ năm 2003, một nửa ngân sách nhà nước là dành cho quân đội. Vậy mà sao họ có thể bỏ vũ khí, máy bay chiến đấu để lần lượt các thành phố rơi vào tay phiến quân như vậy?”
Khi quân đội buông bỏ vị trí, người dân Iraq được kêu gọi tình nguyện tham gia chống phiến quân Sunni. Và nơi người dân hưởng ứng lời kêu gọi này nhất chính là thành phố miền Nam Basra, thành trì của người Hồi giáo dòng Shiite. Hàng trăm người đã xếp hàng tham gia tuyển quân.
Ông Ghalib Audah, một tình nguyện viên nói: "Tôi đến đây cùng con trai để gia nhập quân đội. Tôi chống lại những phiến quân Sunni, chúng đang muốn tấn công chúng tôi và kiểm soát đất nước Iraq của chúng tôi”.
Quốc hội Iraq hôm 12/6 đã buộc phải hủy cuộc họp khẩn nhằm ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, do không hội đủ số đại biểu cần thiết. Phần lớn các đại biểu người Sunni và người Kurd đã tẩy chay cuộc họp này vì phản đối việc trao thêm quyền cho Thủ tướng Nouri al-Maliki để chống lại phiến quân.
Trước thực tế là quân đội Iraq không thể chống cự được với quân hồi giáo Sunni, Mỹ tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ mở các chiến dịch oanh kích để ngăn chặn bước tiến của lực lượng này, nhưng không đề cập việc gửi quân tới thực địa.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Iraq lại đưa tin, quân đội đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Tikrit.