Thúc đẩy hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Thùy Trang - Ngọc Hà-Thứ hai, ngày 07/10/2013 00:23 GMT+7

  Là cơ chế hợp tác kinh tế có quy mô lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, diễn đàn APEC có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập giữa các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 sẽ khai mạc vào ngày 7/10 tại Bali, Indonesia. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 có chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu”. Hội nghị tập trung vào 3 nội dung ưu tiên là Thực hiện mục tiêu Bogor, Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng và Tăng cường kết nối.

Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Chủ đề này xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất là trong thời gian qua, hợp tác APEC đã đạt được nhiều thành công. Thứ hai là APEC đang là động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy trong hội nghị lần này, APEC muốn có những đóng góp chung không chỉ đối với các thành viên mà cho cả nền kinh tế toàn cầu.

Ra đời tháng 11 năm 1989 với 12 thành viên sáng lập, đến nay, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã trở thành cơ chế hợp tác kinh tế có quy mô lớn nhất trong khu vực. Với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 nước thuộc nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20, APEC hiện chiếm gần 60% dân số thế giới và gần 60% thương mại toàn cầu.

Từ 3 trụ cột hợp tác ban đầu về thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật, hiện APEC đã mở rộng nội dung hợp tác sang các lĩnh vực an ninh phi truyền thống và tăng trưởng bền vững.

Ông Bùi Thanh Sơn nhận định: “Phải thấy rằng APEC là một tiến trình hợp tác vừa tự nguyện, vừa có sự liên kết chặt chẽ với nhau trên những nguyên tắc mà các bên đều đạt được đồng thuận. Tôi nghĩ rằng APEC đang trở thành một trung tâm, một cơ chế hợp tác rất trọng yếu trong khu vực của chúng ta”.

Hợp tác APEC được đặt là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam. Chính vì vậy, tại hội nghị năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào diễn đàn quan trọng này.

Ông Bùi Thanh Sơn nói: "Lần này chúng ta sẽ có những đóng góp vào tất cả các nội dung, chủ đề của hội nghị cũng vừa là đáp ứng lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng là chia sẻ những mong muốn chúng ta muốn hợp tác với các nền kinh tế thành viên của APEC. Việt Nam cũng mong muốn APEC tiếp tục hỗ trợ công cuộc đổi mới và phát triển của chúng ta trong thời gian tới".

Trên chặng đường gần 1/4 thế kỷ qua, APEC đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Trong bối cảnh mới của khu vực với những chuyển biến nhanh chóng về tập hợp lực lượng và xu thế liên kết đa tầng nấc, APEC đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước