Chính lực lượng này đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Ukraine, khi mà gần 4 tuần biểu tình của phe đối lập đã làm cho kinh tế nước này mất đi trên 3 tỷ USD.
Tại Toà Thị chính thành phố Kiev, nơi đã bị phe đối lập chiếm từ nhiều ngày nay và hiện được gọi là Đại bản doanh của lực lượng kháng chiến quốc gia, những thành viên cốt cán làm chỗ nghỉ ngơi, tiếp nhận viện trợ, tổ chức hỗ trợ y tế.
Còn trên sân khấu ngoài Quảng trường Độc Lập mà phe đối lập gọi là Quảng trường châu Âu (Euromaidan) người ta đọc thơ, phát biểu và hát nhạc rock. Để sưởi ấm đã có các lò sưởi, nước chè, cà phê và bánh mỳ kẹp thịt miễn phí. Rất nhiều người đã trụ lại ở đây nhiều ngày nay và họ hài lòng vì không phải làm việc, đói đã có bếp ăn miễn phí, ngủ đã có các lều dã chiến hoặc chỗ bạn bè để rồi tiếp tục trực chiến.
Anh Aleksandr, người biểu tình cho biết: “Tôi ở đây tuần thứ 3 rồi. Công việc gì chứ, rất đơn giản là nó đã có và sẽ có. Còn đây là sự kiện cho hàng chục năm tới, anh có hiểu không?”
Có lẽ cũng khó hiểu bởi cuộc biểu tình này đã làm đình trệ nền kinh tế đất nước vốn đã rất khó khăn. Theo các chuyên gia, trong gần 4 tuần biểu tình đã làm cho kinh tế nước này mất đi trên 3 tỷ USD.
Tại quảng trường Hiến pháp hay còn gọi là Quảng trường Marynnsky, những người ủng hộ Chính phủ chỉ có thể tham gia được vài ngày bởi họ là những công nhân, kỹ sư, viên chức đến từ các tỉnh miền Đông Ukraine. Tại đây cũng có bếp ăn dã chiến, lò sưởi.
Anh Vitaly, người ủng hộ Chính phủ nói: “Chúng tôi đến đây để chống lại Maidan (Quảng trường) bên kia, để chống lại sự hỗn loạn, khiêu khích có thể xảy ra”.
Chị Vitalina Dzoz, Đại biểu Quốc hội, Đảng Các Khu vực cầm quyền chia sẻ: “Những người đến đây chủ yếu là từ các tỉnh phía Đông Ukraine, những công nhân các hầm mỏ, nhà máy. Họ thấu hiểu về nền kinh tế nước nhà. Đây là thời điểm không đơn giản để bỏ mặc Chính phủ. Điều đó là không đúng, nó làm sâu sắc hơn khủng hoảng, bởi vậy chúng tôi đến đây để ủng hộ Chính phủ - người đang đứng ra chịu trách nhiệm về tình trạng hiện nay”.
Những người ủng hộ Chính phủ bày tỏ lo ngại về việc sáp nhập Ukraine với EU, điều này không đem lại điều gì khả quan cho nền kinh tế đất nước
Irina Bilec, người ủng hộ Chính phủ cho biết: “Nguyên nhân chính của vụ việc này là thỏa thuận Hội nhập với EU. Nếu quan tâm một chút thì rõ ràng hàng hoá của chúng tôi không có khả năng cạnh tranh và như vậy hàng hoá châu Âu sẽ tràn vào Ukraine. Và nếu nhà máy ở đây không kịp hiện đại hoá thì buộc phải đóng cửa. Tình hình vậy đó”.
Các cuộc biểu tình vẫn chưa có hồi kết. Ở cả châu Âu lẫn Nga trong ngày 17/12 đã diễn ra các sự kiện và kết quả của nó mang tính quyết định cho tiến triển tình hình tại đây.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi lại video dưới đây: