Tại cuộc họp Bộ trưởng ngoại giao các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu diễn ra tại Brussels trong lúc này, châu Âu đang cố gắng thuyết phục Nga ủng hộ hiệp ước đối tác giữa Liên minh châu Âu và Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga được mời tới Brussels tham dự cuộp họp với Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu. Các nước Tây Âu đã cố gắng thuyết phục ngoại trưởng Nga, rằng một hiệp ước đối tác giữa Ukraine và Tây Âu sẽ không có bất cứ tác động tiêu cực nào tới Nga; rằng Ukraine vẫn có thể vừa là đối tác của Tây Âu, vừa giữ được quan hệ tốt với Nga. Không rõ là những lý lẽ này tác động tới quan điểm của Nga đến mức nào.
Ông Sergei Lavrov, Bộ trường Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề của Ukraine và chúng tôi đã đạt được thỏa thuận chung là tất cả các bên nên tôn trọng chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, bao gồm cả Ukraine. Tất cả mọi người nên để người dân Ukraine được tự do lựa chọn cách họ muốn phát triển đất nước”.
Với châu Âu, thì hiệp ước đối tác với Ukraine chỉ đơn thuần là kinh tế và thương mại. Hiệp ước đối tác giữa Liên minh châu Âu với Ukraine không có nghĩa là Ukraine sẽ có thể gia nhập Liên minh châu Âu. Châu Âu hiểu rõ sức nặng của Nga trong các quyết định từ Kiev, và ý thức rõ ràng rằng, thuyết phục được Nga sẽ mở ra lối thoát cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu và Ukraine.
Bà Catherine Ashton, Cao uỷ châu Âu phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại nói: “Chúng tôi nghĩ rằng Ukraina đã có nhiều năm đàm phán với Liên minh châu Âu về một Hiệp định thương mại và điều đó đã được các nhà lãnh đạo Ukraine quyết định. Vì vậy, việc ký Hiệp định với Liên minh châu Âu sẽ không có ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ với Nga”.
Theo lời Ngoại trưởng Luxembourg, trong cuộc gặp tại Brussels, Ngoại trưởng Nga đã tỏ ý lo ngại rằng một khi hiệp ước đối tác được ký, thì hàng hoá từ châu Âu sẽ mượn đường Ukraine để tràn sang thị trường Nga. Cho tới lúc này thì cả Nga lẫn Liên minh châu Âu đều mới chỉ bàn thảo về khía cạnh kinh tế và thương mại. Nhưng hai bên đều hiểu rõ, phía sau kinh tế, là các lợi ích địa chính trị, quan trọng hơn rất nhiều.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi lại video dưới đây: