Theo đó, Kiev sẽ chấp nhận áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF yêu cầu để có thể nhận gói cứu trợ trị giá từ 14 - 18 tỷ USD của Quỹ này.
Với 246 phiếu thuận/20 phiếu chống, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu nhất trí thông qua luật chống khủng hoảng do Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatseniuk đề xuất.
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết: “Chức năng của dự luật này đó là giúp cho nền kinh tế Ucraine thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Tiến trình khôi phục kinh tế phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải bỏ phiếu thông qua dự luật này và bắt đầu tiến trình tiếp nhận các khoản cứu trợ tài chính quốc tế”.
Trước đó, Thủ tướng Yatseniuk cũng cảnh báo nếu luật này không được thông qua, Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế. Trong đó, việc Nga tăng giá bán khí đốt lên tới 79% sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế vốn đang rất èo uột của quốc gia Đông Âu này.
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk nói: "Nguy cơ đầu tiên là vấn đề năng lượng. Việc giá khí đốt từ Nga tăng sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng cho nền kinh tế Ukraine và toàn bộ dân số Ukraine. Thứ hai, nhiều khả năng Liên bang Nga sẽ đình hoãn thương mại song phương với Ukraine trong năm nay. Và việc này sẽ gây ra một tác động tiêu cực làm giảm thêm 1% GDP”.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã nhất trí sẽ dành gói cứu trợ trị giá 14-18 tỷ USD cho Ukraine để giúp nước này tránh khỏi nguy cơ phá sản. Đổi lại, Kiev sẽ phải chấp nhận những điều kiện cải cách ngặt nghèo. Giới chuyên gia đánh giá những điều kiện của gói cứu trợ có thể ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân Ukraine vốn quen với những khoản trợ cấp từ thời Liên Xô trước đây cũng như chính sách phúc lợi xã hội.