Tuần qua, một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là việc điều chỉnh kỳ thi THPT Quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc tuyển sinh đại học được giao cho các trường đại học tự chủ.
Kỳ thi THPT Quốc gia được điều chỉnh thành kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu tập trung xét tốt nghiệp, do vậy đề thi sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu này. Ngoài ra, các địa phương sẽ chủ trì tổ chức thi, Bộ GD&ĐT không cử cán bộ giảng viên coi thi như năm 2019. Điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm của các địa phương và việc đảm bảo tính khách quan, công bằng của kỳ thi. Bài thi tổ hợp được tính là 1 đầu điểm, thay vì 3 đầu điểm như trước đây.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương cần bố trí thêm thanh tra cấp tỉnh để tăng cường giám sát; các địa phương công khai phổ điểm thi và gửi về Bộ Giáo dục điểm học bạ điện tử của thí sinh để giám sát.
"Đề thi để đánh giá chất lượng phải theo nguyên tắc "dạy gì, học gì thì thi nấy". Như vậy, những chương trình đã được tinh giản, không đưa vào giảng dạy sẽ không có trong đề thi. Ngoài ra, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT sẽ tập trung ở bậc THPT và chủ yếu là lớp 12. Độ khó của đề thi sẽ được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, phù hợp với điều kiện học tập trong bối cảnh dịch COVID-19" - ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho hay.
Điểm khác biệt lớn nhất là nếu những năm trước, nhiều trường có thể sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển, thì năm nay, các trường có thể phải bổ sung những tiêu chí khác, như: kết quả học bạ, chứng chỉ quốc tế,thi thêm môn năng khiếu hoặc phỏng vấn thêm...
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ gấp rút xây dựng đề minh họa mới để thí sinh làm căn cứ ôn tập. Điều này đang được thí sinh chờ đợi. Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ lệ giữa các mức trong đề thi: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao hiện cũng đang được nghiên cứu để điều chỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!