Trong thời gian qua, xã hội đã chứng kiến sự ra đời của những văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thực tiễn, thiếu hơi thở của cuộc sống. Điều nhiều người băn khoăn là tại sao mật độ của những văn bản quy phạm pháp luật này lại dày đến như vậy? Căn nguyên vấn đề nằm ở đâu và liệu có giải pháp nào khắc phục vấn đề này? Đây chính là chủ đề được Sự kiện bình luận đề cập tới trong tuần này với sự tham gia của đại biểu Quốc hội khóa XIV Lê Thanh Vân.
Nói về hậu quả của những văn bản quy phạm pháp luật “trên trời”, xa rời đời sống nhân dân, ông Lê Thanh Vân chia sẻ: “Quy định pháp luật phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Khi một quy định ra đời mà không không phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì trước hết, nhân dân sẽ không chấp hành. Đây chính là hiện tượng nhờn luật. Bên cạnh đó, những văn bản này không phản ánh đúng chiều tác động để kích hoạt sự phát triển của các mối quan hệ xã hội. Cuối cùng, những văn bản quy phạm pháp luật thiếu hơi thở đời sống sẽ không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân cũng như không phù hợp với lẽ tự nhiên. Nếu không được nhân dân thừa nhận, chấp hành, những quy định này sẽ tự mất hiệu lực”.
Ông Lê Thanh Vân cũng đề cập tới trách nhiệm của những cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thực tiễn. “Có một bộ phận không nhỏ các cán bộ quan liêu, ngồi trong phòng lạnh để ban hành những quy định trên trời. Họ không nhìn thấy cuộc sống của người dân đang biến động ra sao để tác động đúng chiều, giúp mối quan hệ vận động theo trật tự quản lý của nhà nước, giúp công dân đề cao ý thức pháp luật”, ông phê phán.
Cũng theo ông Vân, trước khi Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào cuối năm 2015, trách nhiệm trong việc soạn thảo và ban hành pháp luật chưa được đề cập. Vi phạm pháp luật chỉ mới được nhìn nhận trong việc chấp hành, quản lý điều hành pháp luật. Trong khi đó, trách nhiệm của những người ban hành luật lại không được nhắc tới và thường bị xem nhẹ. Chính vì vậy, khi có sự ra đời của những văn bản quy phạm pháp luật “trên trời”, việc kiểm điểm trách nhiệm còn khá chung chung.
“Trước thực trạng ấy, các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần thảo luận và đưa ra tranh luận gay gắt, buộc phải quy trách nhiệm cho cá nhân ban hành những văn bản luật xa rời thực tiễn, gây tác hại cho cuộc sống. Chính vì vậy, trong dịp sửa đổi bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2015, quy định này đã được đưa vào. Theo đó, nếu những chủ trì, soạn thảo, xây dựng văn bản pháp luật chậm trễ về tiến độ, làm trái với Hiến pháp, ban hành những quy định không đi vào cuộc sống thì phải chịu trách nhiệm”, ông cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!