Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Tiến bộ và công phu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/04/2017 15:53 GMT+7

VTV.vn - Theo PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học giáo dục tâm lý Việt Nam, dự thảo chương trình phổ thông mới đã cho thấy sự tiến bộ và công phu trong cách làm của Bộ GD&ĐT

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2018 – 2019, được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho học sinh. Theo dự thảo mới, ngành giáo dục sẽ có những thay đổi căn bản và toàn diện trong cách thức tiếp cận cũng như thiết kế chi tiết chương trình giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lấy ý kiến góp ý về dự thảo từ nay tới ngày 29/4/2017.

Đánh giá về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học giáo dục tâm lý Việt Nam khẳng định: "Đây là đề án được thực hiện một cách sớm nhất về chương trình và sách giáo khoa phổ thông, thực hiện các yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện".

"Đề án lần này có một số điểm mới đáng chú ý" - PGS.TS Trần Kiều phân tích - "Đầu tiên là cách làm chương trình đã có sự tiến bộ rõ rệt so với những lần làm chương trình trước. Điều tôi muốn nói ở đây là đề án đã thực sự có lý luận mà không chỉ dựa vào kinh nghiệm".

"Không chỉ vậy, đề án này còn là một công trình được thực hiện công phu. Ở đây, tôi không nói tới vấn đề thời gian, sự công phu nằm ở việc tập hợp được các ý kiến của một nguồn lực đa dạng và phong phú, được thực hiện bởi những hoạt động cần thiết để chuẩn bị cơ sở lý luận cho toàn bộ nội dung đề cập trong chương trình. Tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã thực hiện hàng loạt đề tài nghiên cứu, cuộc khảo sát thực tiễn, nhiều phỏng vấn, điều tra và một số đợt đi nước ngoài để tìm hiểu. Có thể nói, chúng ta đã có hàng nghìn trang giấy để tạo ra hơn 30 trang trong đề án lần này".

Đồng ý với quan điểm của PGS.TS Trần Kiều, TS. Phan Thị Luyến – Hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm Hà Nội cho rằng với chương trình mới, cách dạy và học của giáo viên và học sinh sẽ phải thay đổi nhiều theo hướng tăng cường thực hành nhiều cho học sinh. Học sinh cũng thực sự được vận dụng những kiến thức đã học vào trong thực tiễn.

"Để thực hiện quy trình từ lúc thực hiện đến triển khai có rất nhiều bước. Hiện nay, chúng ta chưa xong cả bước đầu tiên là thông qua chương trình tổng thể. Về cơ bản đó là những vấn đề chung của bộ chương trình" - PGS.TS Trần Kiều bổ sung - "Từ nay tới tháng 9/2018 chỉ còn hơn một năm, trong khi chúng ta phải viết một bộ sách giáo khoa mới, đó không là điều đơn giản. Quá trình này không thể chộp giật mà phải làm rất cẩn thận. Vì thế, điều tôi lo ngại hiện nay là tiến độ".

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện và Bình luận qua video trên đây.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước