Lãng phí là tình trạng chung của sự thiếu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chuyên ngành. Tính tới tháng 4 /2016, 95 luật và pháp lệnh, 85 nghị định quy định về quy hoạch đã được ban hành. Theo quy định của các văn bản này, thời kỳ 2011 – 2020, số lượng quy hoạch phải lập lên tới 20.000. Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện, thiếu tính khả thi.
Bên cạnh đó, chuyện chồng chéo, thiếu gắn kết đang tạo nên tình trạng lãng phí trong quy hoạch. Vì lẽ đó, một trong những hoạt động của Quốc hội thu hút sự chú ý trong tuần qua chính là phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quy hoạch. Dự thảo này đã được chú ý từ khi còn mới bắt đầu nghiên cứu và chấp bút. Nó cũng đã được lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương, chuyên gia nhưng dường như bản dự thảo vẫn chưa đi đến được đồng thuận cao.
Cụ thể, nhiều quan điểm cho rằng dự thảo Luật Quy hoạch động chạm rất lớn tới quyền lợi của nhiều bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dự thảo không đầy đủ, vẫn còn nhiều điều khó thực thi trong thực tiễn.
Phân tích về dự thảo Luật Quy hoạch, ông Vũ Quang Các – Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng tổ biên tập dự thảo cho biết: "Theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật thì, Luật Quy hoạch phải trình Quốc hội 2 kỳ. Kỳ họp vừa qua mới là kỳ đầu tiên báo cáo xin ý kiến Quốc hội, vì thế, với sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, việc còn nhiều ý kiến khác nhau là điều bình thường, nó thể hiện sự quan tâm, mong muốn của các đại biểu Quốc hội khi luật được thông qua sẽ hoàn chỉnh hơn, giúp phát triển kinh tế".
"Để tiến hành xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã tiến hành tổng kết hoạt động quy hoạch giai đoạn 2001 – 2010, nghiên cứu những vấn đề bất cập, đưa ra một số nhận định. Cụ thể là quy hoạch quá nhiều, chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện nên nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế. Thứ hai là quy hoạch còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu gắn kết, thể hiện qua nhiều bản quy hoạch giữa các bộ ngành khác nhau", ông Vũ Quang Các cho biết thêm.
Theo ông Vũ Quang Các, Luật Quy hoạch lẽ ra cần phải được ban hành sớm, giúp tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống quy hoạch. Tuy nhiên, với bản dự thảo này, không chỉ giúp cho công tác quản lý Nhà nước, nó còn có ích cho cả người dân.
"Luật phải giúp cho công tác quản lý Nhà nước được chặt chẽ hơn, thứ hai là để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận và hưởng lợi từ luật. Việc ban hành luật quy hoạch sẽ giảm thủ tục hành chính", ông Vũ Quang Các khẳng định.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện Bình luận qua video trên đây.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!