Hàng loạt vụ cháy chung cư thời gian gần đây đã khiến người dân hoang mang, lo ngại về chất lượng cam kết của các chủ đầu tư. Rủi ro về tính mạng và tài sản đối với người sử dụng là rất lớn, trong khi việc quy trách nhiệm lại không đơn giản. Những vụ cháy này khiến người mua nhà phải tính toán lại không chỉ về giá, vị trí nơi ở mà còn cả uy tín trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư. Đây là cơ hội để người dân phân biệt giữa những nhà kinh doanh có trách nhiệm và không có trách nhiệm, đồng thời cũng là bài học để doanh nghiệp nhận thấy rằng họ không phải đang làm từ thiện mà vì thương hiệu của chính mình.
Theo PGS.TS Xã hội học Phạm Bích San, nhìn từ góc độ xã hội, các vụ cháy chung cư có thể khiến người dân có cảm giác choáng. "Trong một khoảng thời gian, những tòa nhà chung cư này là niềm hy vọng cho những người có thu nhập không cao nhưng sau khi các vụ cháy xảy ra, nhiều người đã phải nghĩ lại. Liệu có đáng để đánh liều tính mạng của mình với một căn nhà như thế?"
"Những người nghèo thu nhập thấp, những người trẻ tuổi sẽ chịu tác động lớn nhất từ những vụ việc này. Rõ ràng, các vụ bê bối sẽ tác động nhiều mặt, cả kinh tế và xã hội. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ phải sống chung với hiểm họa này bao lâu nữa?" - PGS.TS Phạm Bích San bày tỏ.
PGS.TS Xã hội học Phạm Bích San
PGS.TS Phạm Bích San cho rằng đằng sau những vụ cháy chung cư, vấn đề cần được bản luận và phân tích sâu hơn nằm ở trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Quan điểm này đã nhận được sự đồng thuận từ Luật sư Trần Hữu Quỳnh: "Điều lưu ý với các doanh nghiệp là ngoài lợi nhuận, họ còn phải chú ý tới các trách nhiệm cho xã hội. Trách nhiệm xã hội ở đây còn cao hơn vấn đề pháp lý một bậc. Có thể, pháp luật không quy định nhưng doanh nghiệp làm tốt hơn cho cộng đồng, môi trường và người lao động, như vậy là họ đang thực hiện trách nhiệm xã hội".
Bổ sung ý kiến của Luật sư Trần Hữu Quỳnh, PGS.TS Phạm Bích San cho rằng, trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hiện nay nên được hiểu rộng hơn khái niệm đạo đức kinh doanh.
"Trách nhiệm xã hội là một khái niệm khá mới mẻ trong khi khái niệm đạo đức kinh doanh vẫn có từ xưa tới nay" - ông phân tích thêm - "Đầu tiên, trách nhiệm xã hội yêu cầu mọi người phải tuân thủ pháp luật. Thứ hai, trách nhiệm xã hội đảm bảo doanh nghiệm phải thỏa mãn các lợi ích chung của cộng đồng và toàn xã hội. Do vậy, khái niệm xã hội rộng hơn rất nhiều so với các khái niệm đã có từ trước tới nay. Trong quá trình hội nhập, tôi nghĩ nên đưa trách nhiệm xã hội là một trong những yêu tố bắt buộc cho doanh nghiệp".
Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhâp sâu rộng hơn, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những hậu quả lớn khi không đảm bảo được trách nhiệm xã hội của mình. Những vụ bê bối lớn trên thế giới như vụ sữa nhiểm bẩn Melamine của Trung Quốc hay vụ ụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen... là minh chứng rõ nhất cho điều này.
"Trong bối cảnh thế giới phẳng hiện nay, khi có sự cố xảy ra, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp. Còn trên góc độ quốc gia, khi có nhiều doanh nghiệp dính tới các vụ bê bối chất lượng, điều đó sẽ ảnh hưởng tới cả thương hiệu, uy tín quốc tế của quốc gia đó", luật sự Trần Hữu Quỳnh nhận định.
"Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp có tâm thế đối phó với các cơ quan công quyền, thậm chí dùng phong bì để bôi trơn. Trong khi đó, người tiêu dùng lại chưa có một tổ chức hùng mạnh để kiểm tra và giám sát đơn vị kinh doanh. Đây là một điều đáng tiếc. Có lẽ, trong thời gian tới, cộng đồng người tiêu dùng phải có quyền giám sát đối với chất lượng của những sản phẩm từ doanh nghiệp cung cấp. Còn về mặt pháp luật, các quyền liên quan tới giám sát, khởi kiện của người tiêu dùng cũng phải được sửa đổi sao cho thực hiện nhanh, thủ tục rút gọn hơn đúng với quyền của người tiêu dùng".
Để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!