Trung Quốc sẽ nắm 26,6% trong tổng số lá phiếu biểu quyết trong AIIB. Các nhà phân tích cho rằng, mục đích của Trung Quốc khi khởi xướng thành lập AIIB có một số khía cạnh sau:
- Thứ nhất là để tài trợ vốn cho sáng kiến "một vành đai, một con đường". Đây là sáng kiến kết nối hạ tầng giữa Trung Quốc với các nước, lấy Trung Quốc làm trung tâm và sáng kiến này có nhiều tính toán về chính trị và kinh tế khác nhau.
- Thứ hai, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển trở thành nước xuất khẩu nguồn vốn, cần tìm kênh đầu tư có hiệu quả ra bên ngoài và AIIB là một lựa chọn. Trung Quốc trước đây đã tài trợ vốn cho các nước qua các thỏa thuận song phương, nhưng nhiều trường hợp nguồn vốn của Trung Quốc không được hoan nghênh vì lý do chính trị.
- Thứ ba, việc thành lập AIIB cũng là một cách để Trung Quốc gia tăng vai trò trong hệ thống tài chính thế giới, trong bối cảnh tiến trình cải cách hệ thống tài chính thế giới hiện nay diễn ra chậm chạp.
Nguồn vốn mới này sẽ đáp ứng hiệu quả nhu cầu tài chính của các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có các nước ASEAN.
Nhu cầu về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực rất lớn, dự báo lên tới khoảng 800 tỷ USD mỗi năm và các tổ chức tài chính quốc tế hiện khó đáp ứng được. Chính vì thế, AIIB ra đời có vốn điều lệ 100 tỷ USD sẽ là một sự bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nhu cầu đầu tư của khu vực.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, chính sự ra đời của AIIB mà Nhật Bản không phải là thành viên đã thúc đẩy Nhật Bản đưa ra cam kết đầu tư 110 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng các nước trong khu vực trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm rằng AIIB có vốn điều lệ chỉ hơn một nửa vốn điều lệ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Mặt khác, đây là Ngân hàng đa phương đầu tiên do các nước đang phát triển chủ đạo nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn như thế nào hiện vẫn chưa rõ ràng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!