Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 tuần qua là câu chuyện đầy tình thương yêu về những người thầy giáo cõng con chữ đến với các em nhỏ trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Thành lập từ năm 1982, tính đến nay đã gần 40 năm, Trường tiểu học Tri Lễ 4 có 6 điểm trường: Mường Lống, Huôi Xái 1, Huôi Xái 2, Nậm Tột, Huôi Mưới 1, Huôi Mưới 2 nằm rải rác trên dãy núi Phà Cà Tún. Điều đặc biệt, ngôi trường này 100% các giáo viên đều là nam giới.
Nằm giữa bản làng người H'Mông, điểm trường này vốn được xem là một trong những điểm khó khăn nhất của huyện Quế Phong vì đường sá đi lại và các điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn.
Cung đường khó khăn đến trường của các thầy giáo tại Trường tiểu học Tri lễ 4
Con đường từ ngoài thị tứ Châu Thôn đến điểm trường chính Mường Lống dài khoảng 30 km, nhưng chỉ 1/3 là đường nhựa, phần còn lại là đường núi cực khó khăn hiểm trở. Đây chỉ là những lối mòn vắt cheo leo qua các sườn núi. Con đường này mùa khô cát bụi mịt mù, mùa mưa thì ngập trong bùn đất lầy lội. Các thầy phải mất cả tiếng đồng hồ mới có thể chạy xe đến nơi. trong những ngày mưa, các thầy phải đi thành từng tốp 5 - 6 người để hỗ trợ, đẩy xe cho nhau. Thậm chí phải cùng nhau dùng cáng khiêng xe qua dốc.
Chính những khó khăn ấy đã tạo nên một ngôi trường toàn các thầy giáo vì rất khó để một giáo viên nữ có thể chịu được những khó khăn mà những thầy giáo tại Trường tiểu học Tri Lễ 4 đang trải qua.
Đây còn là ngôi trường biết đến với nhiều "không": không đường ô tô, không điện, không sóng điện thoại, không Internet,… con suối qua trường là nguồn nước duy nhất để các thầy tắm giặt, vừa nấu cơm vừa làm nước uống.
36 năm nay, nhiều thế hệ thầy giáo vẫn bất chấp băng rừng giữa biển mây, cõng từng em học sinh đến trường đi học. Gian khó là thế, nhưng họ vẫn ngày đêm miệt mài cắm bản, gieo chữ tới các em nhỏ xã biên giới.
Các thầy chăm sóc tận tình cho các em học sinh
Kể về những khó khăn, thầy giáo Nguyễn Hồng Thiệp chia sẻ, ngoài công tác giảng dạy, thiếu điện lưới còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các thầy. Hàng ngày thức ăn chủ yếu của các thầy là cá khô, lạc, vừng và mì tôm... Để có thể cải thiện bữa ăn, các thầy phải tranh thủ vào rừng hái măng hay xúc cá dưới khe suối.
Tri Lễ là xã vùng sâu vùng xa và khó khăn nhất của huyện Quế Phong, Nghệ An, nơi đây 100% là người dân đồng bào dân tộc H'Mông. Cuộc sống đói nghèo khiến các gia đình không quá quan tâm đến việc học của con cái.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn về mọi thứ, song mỗi thầy giáo tại Trường tiểu học Tri Lễ 4 đều cố gắng sắm cho mình một chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh, ghi âm. Với các thầy, đây chính là thiết bị tốt nhất để làm vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Những khó khăn không ngăn cản được thầy giáo tại Trường tiểu học Tri lễ 4
Đường đi thì khó khăn, những khi mưa to gió lớn, phải hàng tháng trời các thầy mới có thể trở về với gia đình. Chụp những tấm hình, ghi lại những đoạn đối thoại của vợ con vào điện thoại là điều mà tất cả các thầy giáo nơi đây đều làm. Bên cạnh thời gian giảng dạy và soạn giáo án, những hình ảnh và âm thanh từ vợ con khiến các thầy cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Gần 40 năm kể từ khi thành lập, những người thầy giáo ấy chưa từng nản lòng, họ sẵn sàng hy sinh bản thân mình để có thể giúp được các học sinh của họ biết được con chữ, có được cơ hội vươn tới tương lai phía trước.