Trong những năm qua công tác chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật tại Quảng Trị đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền quan tâm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài.
Cứ đều đặn mỗi tuần các tình nguyện viên Hàn Quốc của Tổ chức Medipeace lại đến thăm em Nguyễn Thị Hoài Thương (sinh năm 1991), khu phố 7, thị trấn Gio Linh. Là chị cả của 3 người em, Thương sinh ra đã bị bại não chân tay co quắp không thể đi lại được. Mọi sinh hoạt chỉ dựa vào người bà ngoại đã ở vào độ tuổi xế chiều. Bố bị tai nạn qua đời khi Thương 13 tuổi, mẹ cũng ra đi sau đó ít năm vì bị ung thư dạ dày, cuộc sống gia đình lâm vào túng quẫn khi một mình bà gánh vác việc nuôi dạy 4 chị em Thương.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình Tổ chức Medipeace đã hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà cửa và 7,5 triệu đồng vay vốn phát triển kinh tế. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng trong mái nhà ấy vẫn luôn tràn ngập tình thương và sự trìu mến từ những tình nguyện viên Hàn Quốc đến hỗ trợ phục hồi chức năng cho Thương. Các tình nguyện viên không quản ngại vất vả ân cần dìu dắt Thương từng bước đi và động tác vận động.
Trường hợp trên chỉ là một trong số hàng trăm hoàn cảnh được Tổ chức Medipeace hỗ trợ. Medipeace là một tổ chức Phi chính phủ về Y tế nhân đạo tại Hàn Quốc với các hoạt động như nâng cao ý thức cộng đồng toàn cầu về y tế, sức khỏe bằng cách cung cấp, hỗ trợ nhân đạo và chăm sóc y tế cho các nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương.
Bắt đầu triển khai từ năm 2012 tại Quảng Trị, dự án mang tên “Tầm nhìn cho Việt Nam” giai đoạn 1 từ năm 2012-2014 có tổng kinh phí là 538.800 USD với các hoạt động chính như: hỗ trợ trẻ em khuyết tật được phục hồi chức năng; xóa đói giảm nghèo cho gia đình có trẻ khuyết tật bằng cách hỗ trợ xây nhà, cho vay vốn; hỗ trợ trang thiết bị y tế; tặng xe lăn cho trẻ em khuyết tật; hỗ trợ Trung tâm Phục hồi chức năng huyện Gio Linh hoạt động; xây dựng phòng Phục hồi chức năng ở các xã Gio Châu, Gio Hải, Trung Hải; tiến hành đào tạo điều trị viên kĩ thuật phục hồi chức năng … Đến nay, hàng trăm người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị đã được hưởng lợi từ dự án của Tổ chức Medipeace.
Bà Tạ Thị Trí, Quản lý Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại huyện Gio Linh cho biết: Bắt đầu triển khai tại trung tâm từ năm 2013 đến nay, Tổ chức Medipeace đã giúp đỡ đơn vị rất nhiều trong công tác chăm sóc, điều trị cũng như hỗ trợ người khuyết tật phục hồi chức năng. Ban đầu có nhiều trẻ chưa thể đi được, khả năng vận động còn yếu, các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày còn hạn chế, thế nhưng trải qua quá trình tập luyện ngày càng tiến bộ. Bên cạnh đó, tổ chức cũng tiến hành cho gia đình những trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hỗ trợ làm nhà, vay vốn phát triển kinh tế…
Vừa qua, Tổ chức Medipeace thực hiện thí điểm Dự án “Nâng cao năng lực đào tạo vật lý trị liệu Việt Nam” tại Quảng Trị, sau đó sẽ triển khai nhân rộng ra khắp cả nước. Dự án triển khai từ tháng 3/2015 – 12/2016 với kinh phí gần 600.000 USD thực hiện các hoạt động chính như: hỗ trợ Trường Trung cấp Y tế Quảng Trị bồi dưỡng giảng viên và phát triển chương trình nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy; phát triển khung chương trình đào tạo vật lý trị liệu; hỗ trợ trang thiết bị thực tập; bồi dưỡng nhân lực và phát triển chương trình đào tạo kỹ thuật viên vật lý trị liệu …
Bà Ham Youngsun, Trưởng Đại diện Tổ chức Medipeace tại Việt Nam cho biết: dự án nhằm giúp những trẻ em khuyết tật vượt qua tật nguyền sớm hòa nhập cộng đồng. Hi vọng khi kết thúc dự án tại Quảng Trị, Việt Nam có thể dựa vào mô hình này để học tập và triển khai trên cả nước. Trong tương lai, Tổ chức Medipeace sẽ mở rộng thực hiện trên nhiều địa bàn khác nhau, đặc biệt sẽ tìm nơi phù hợp để xây dựng các phòng phục hồi chức năng cũng như tiếp tục triển khai các hoạt động còn lại. Từ đó, có thể giúp trẻ khuyết tật nhận được sự hỗ trợ điều trị lâu dài…
Quảng Trị là địa phương chịu nhiều đau thương mất mát và ảnh hưởng nặng nề của di chứng sau chiến tranh. Toàn tỉnh hiện có trên 37.000 người khuyết tật, chiếm 6,2% dân số. Phần lớn các gia đình người khuyết tật có mức sống trung bình và nghèo; trong đó có gần 5.000 gia đình có trên 2 người con bị khuyết tật, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.