Exxon Mobil - Sự sụp đổ của ngành dầu khí?

Như Anh-Thứ bảy, ngày 29/08/2020 12:30 GMT+7

VTV.vn - Sự thoái trào của Exxon Mobil trong giai đoạn hiện nay có thể đại diện cho sự sụt giảm chung của ngành dầu mỏ trong đại dịch COVID-19.

Exxon Mobil đã từng là tập đoàn dầu khí và hóa dầu đại chúng lớn nhất thế giới. Ở thời kỳ đỉnh cao, Exxon Mobil đã từng có giá trị thị trường lên tới hơn 500 tỷ USD.

Xưng vương trên bảng chỉ số chứng khoán Dow Jones từ năm 1928. Năm 2011, Exxon Mobil vẫn tự hào là tập đoàn lớn nhất hành tinh, với lợi nhuận khổng lồ và thưởng cho các cổ đông vô cùng hào phóng. Tuy nhiên đó đã là quá khứ, liên tiếp vài năm trở lại đây, cổ phiếu Exxon Mobil lao dốc không phanh khiến vốn hóa thị trường tập đoàn ở thời điểm này chỉ còn quanh mốc 170 tỷ USD.

Việc bị đá ra khỏi bảng chỉ số Dow Jones chính là cú hích cuối cùng. Chuyện gì đang xảy ra với ngành dầu khí? Phải chăng khẩu vị của giới đầu tư đã thay đổi?

Ngành năng lượng "lao đao" trên thị trường chứng khoán Mỹ

Nhìn rộng ra, không chỉ trong Dow Jones, mà cả chỉ số S&P 500, năng lượng là ngành có diễn biến tệ nhất kể từ đầu năm tới nay, khi giảm tới 40%. Không thể đổ lỗi hết cho dịch bệnh, vì năm 2018 và 2019 cũng đã diễn ra tình trạng tương tự.

Exxon Mobil - Sự sụp đổ của ngành dầu khí? - Ảnh 1.

Quang cảnh nhà máy lọc dầu Exxon Mobil ở Baytown, Texas, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Trong số 11 lĩnh vực ngành nghề của S&P 500, năng lượng chỉ chiếm 3% tỷ trọng tính theo giá trị thị trường, đứng thứ 8/11. Nặng ký nhất trên bảng chỉ số này là công nghệ, chiếm tới 25%. S&P 500 nhìn vào vốn hóa thị trường để xếp hạng, còn Dow Jones nhìn vào giá trị cổ phiếu. Nhìn chung, cổ phiếu năng lượng, dầu khí đang thất thế.

Giới chuyên môn cho rằng Dow Jones buộc phải hất cẳng các công ty lão làng, trong đó có Exxon Mobil, để tăng tỷ trọng của các cổ phiếu công nghệ trên bảng này.

Công nghệ đã hất Exxon Mobil ra khỏi bảng chỉ số Dow Jones?

Trước đây, một mình Tập đoàn Exxon Mobil xưng vương trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng nay, Apple cũng đã có giá trị thị trường gấp hơn 10 lần Exxon Mobil, chưa kể thêm vào Facebook, Google, Microsoft.

Việc Exxon Mobil bị mất chỗ đứng trong bảng chỉ số Dow Jones là do chính vị thế của ngành dầu mỏ trong thời điểm hiện tại.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đang bùng phát đã làm nhu cầu của thế giới đối với năng lượng, trong đó có xăng dầu giảm đi đáng kể. Vận tải, một trong những ngành tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất, cũng chật vật trong đại dịch.

Theo thống kê tại Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 5, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của hành khách giảm tới 95%. Còn theo OPEC, nhu cầu dầu trong năm 2020 này sẽ giảm hơn 9 triệu thùng mỗi ngày so với năm 2019. Nhu cầu giảm sâu như vậy mới dẫn đến tình trạng giá dầu xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Đến nay, giá của loại vàng đen này cũng chưa thể khởi sắc trở lại.

Theo nhiều chuyên gia, đại dịch COVID-19 lần này có thể sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá hay dầu mỏ.

Các doanh nghiệp dầu khí lao đao vì giá dầu thấp

Không chỉ Exxon Mobil, nhiều công ty khác hoạt động trong ngành công nghiệp năng lượng thế giới cũng đang lao đao trong thời gian qua, khi nhu cầu dầu sụt giảm mạnh.

Hôm 28/6 hãng dầu khí hàng đầu của Mỹ là Chesapeake Energy đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Trong khi đại dịch COVID-19 là cú sốc cuối cùng mà công ty này phải gánh chịu, kết cục này đã được dự đoán từ nhiều năm trước đó.

Cũng như nhiều công ty năng lượng khác, Chesapeake đã tìm mọi cách gia tăng sản lượng khai thác để đáp ứng một nhu cầu ở mức đỉnh không có thật. Hệ quả là công ty ngập trong nợ nần và đi đến chỗ hoàn toàn sụp đổ khi đại dịch COVID-19 đẩy nhu cầu dầu xuống mức thấp.

Exxon Mobil - Sự sụp đổ của ngành dầu khí? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí tại các quốc gia khác cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. (Ảnh minh họa: Reuters)

Tình hình tương tự cũng diễn ra với nhiều công ty khác trong ngành dầu khí Mỹ, khiến số lượng giàn khoan tại nước này đang giảm nhanh và có thể xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia khác cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Tập đoàn BP của Anh đã phải cắt giảm 10.000 việc làm trên toàn thế giới và bán đi một phần các mảng hoạt động của mình để có đủ khả năng chống chịu với cú sốc tài chính từ đại dịch COVID-19.

Còn tại Nga, các ông lớn như Rosneft và Gazprom cũng phải cắt giảm mạnh hoạt động đầu tư và trông đợi vào sự hỗ trợ từ chính phủ.

Quỹ hưu trí Na Uy, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới cũng đã thua lỗ nặng trong nửa đầu năm nay, khi nhóm cổ phiếu dầu khí lao dốc.

Ngay cả khi giá dầu đã dần phục hồi trở lại nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước OPEC+, tình hình vẫn chưa khá hơn là bao. Gã khổng lồ trong ngành dầu khí là tập đoàn Saudi Aramco của Saudi Arabia mới đây cho biết, lợi nhuận ròng của hãng đã giảm tới 73% trong quý II.

Hiện Aramco đã lên kế hoạch cắt giảm chi phí vốn từ mức 33 tỷ USD trong năm 2019, xuống còn 25 tỷ trong năm nay và sẽ duy trì đến năm 2023, nếu giá dầu vẫn ở mức thấp. Hãng cũng khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự và tái cơ cấu hoạt động, khi nhu cầu tiêu thụ dầu tiếp tục sụt giảm mạnh.

Sự đi xuống của Exxon Mobil đại diện cho cả ngành năng lượng?

Với tình trạng khó khăn chung đó, sự thoái trào của lão vương Exxon Mobil là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, một tập đoàn dầu khí lớn khác của Mỹ là Chevron lại vẫn bình an vô sự.

Sự thoái trào của Exxon Mobil trong giai đoạn này chỉ có thể đại diện cho sự sụt giảm chung của ngành dầu mỏ trong đại dịch và cũng có thể là dấu mốc cho thấy thời của nhiên liệu hóa thạch đang dần đi qua.

Exxon Mobil - Sự sụp đổ của ngành dầu khí? - Ảnh 3.

Xu thế phát triển năng lượng hiện nay cho thấy chỉ những công ty dầu hoạt động hiệu quả nhất mới có thể tiếp tục trường tồn. (Ảnh minh họa: Reuters)

Một chuyên gia phố Wall nhận xét, đây là "dấu hiệu của thời đại". Còn đối với ngành năng lượng, khi xã hội còn phát triển, nhu cầu đối với năng lượng sẽ vẫn là điều tất yếu.

Theo thống kê, dù nhu cầu năng lượng giảm kỷ lục do đại dịch COVID-19, nhưng năng lượng sản xuất từ gió và mặt trời lại có xu hướng tăng, chiếm mức kỷ lục 10% lượng điện toàn cầu trong nửa đầu năm 2020.

Qua theo dõi các mảng kinh doanh của Chevron, thời gian qua tập đoàn này cũng mạnh tay đầu tư vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái sinh.

Xu thế phát triển năng lượng hiện nay cho thấy chỉ những công ty dầu hoạt động hiệu quả nhất mới có thể tiếp tục trường tồn. Công ty nào đầu tư cho giảm phát thải để bảo vệ khí hậu? Công ty nào đầu tư cho năng lượng tái tạo? Công ty nào chi tiêu thông minh? Câu trả lời có thể là Total, có thể là Chevron, hay BP. Còn riêng Exxon Mobil dường vẻ như không thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. Có thể đây là một nguyên nhân quan trọng khiến lão vương này bị đuổi khỏi ngai vàng.

Exxon Mobil rời Dow Jones: Dầu khí 'thoái vị', công nghệ 'lên ngôi' Exxon Mobil rời Dow Jones: Dầu khí "thoái vị", công nghệ "lên ngôi"

VTV.vn - Chỉ số công nghiệp Dow Jones quy tụ những tên tuổi hàng đầu Phố Wall sẽ thay đổi không chỉ 1 mà tới 3 thành viên trong rổ kể từ tuần tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước