Huawei nhận “đòn chí mạng” từ Mỹ: "Lối đi" nào cho Trung Quốc?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 30/05/2020 13:22 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn đứng hoàn toàn các nguồn cung chip toàn cầu cho Huawei - tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc.

Trước ngày 15/5/2020, Huawei có 2 cách để mua được những con chip của công ty Mỹ: thứ nhất là nhờ vào giấy phép được cấp hạn chế từ Bộ Thương mại Mỹ; thứ hai là thông qua việc lách một quy định về bán sản phẩm trực tiếp cho nước ngoài. Theo đó, những con chip được công ty Mỹ sản xuất ở cơ sở nước ngoài với hàm lượng công nghệ Mỹ đóng góp dưới 25% thì vẫn được bán cho Huawei mà không bị kiểm soát. Như vậy, Huawei mua chip Mỹ là hoàn toàn hợp pháp, không có gì sai.

Cái sai là luật pháp Mỹ đã để tồn tại một lỗ hổng quá lớn. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phải thốt lên với hãng tin Fox Business rằng, đây là sai lầm chết người và cần chấm dứt điều này bằng việc buộc tất cả những công ty chỉ cần dùng công nghệ hay máy móc của Mỹ sản xuất chip cho Huawei đều phải phải báo cáo và xin phép chính phủ. Giờ đây, mọi ngả đường tiếp cận chip Mỹ sẽ bị kiểm soát 100%.

Huawei nhận “đòn chí mạng” từ Mỹ: Lối đi nào cho Trung Quốc? - Ảnh 1.

Biểu tượng của Huawei. (Ảnh: Reuters)

Huawei có giảm được sự phụ thuộc vào linh kiện Mỹ?

Trước đó, Huawei từng lớn tiếng khẳng định sẽ sản xuất smartphone không cần linh kiện Mỹ. Vậy điều này có thật sự dễ dàng?

Khảo sát 3 chiếc điện thoại cao cấp nhất của Huawei trong 3 năm qua (thứ nhất là mẫu P20 pro ra mắt tháng 3/2018; tiếp đó chiếc Mate 30 chào sân hồi tháng 9/2019; cuối cùng là sản phẩm mới trình làng tháng 3 năm nay, chiếc P40), sự khác biệt của 3 chiếc smartphone này ngoài nằm ở thời gian ra mắt, giá thành, tỷ lệ phụ thuộc vào linh kiện Mỹ lắp ráp bên trong là yếu tố đặc biệt được nhấn mạnh.

Nếu chiếc P20 trình làng trước ngày 15/5/2019 - thời điểm Huawei chính thức bị áp lệnh hạn chế mua linh kiện Mỹ, thì phần lớn các bộ phận, linh kiện chủ chốt bên trong đều được nhập khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên khi bị trói chân trói tay với lệnh hạn chế mua sản phẩm chip từ Mỹ, ông lớn công nghệ của Trung Quốc này buộc phải tìm cách tồn tại. Ở 2 mẫu smartphone cao cấp là Mate 30 và P40 gần như không còn bóng dáng linh kiện của Mỹ, chiếm chưa đầy 1%.

Hiện 70% smartphone của Huawei sử dụng con chip vi xử lý mang tên Kirin do HiSilicon phát triển - một công ty con của Huawei chuyên thiết kế chip bán dẫn.

Nhưng liệu Huawei đã thành công giảm phụ thuộc vào Mỹ? Câu trả lời là CHƯA khi những con chip dòng Kirin này dù được đánh giá là sở hữu thiết kế chip hợp nhất số 1 trên thị trường, vượt mặt cả Samsung và Qualcomm, song chúng lại đang được sản xuất bởi những công ty gia công trên nền tảng là công nghệ và máy móc của Mỹ.

Với quy định mới hiện nay, việc gia công chip cho Huawei cũng phải xin phép chính phủ Mỹ. Đây được xem là một đòn chí mạng với tập đoàn của Trung Quốc này.

Huawei nhận “đòn chí mạng” từ Mỹ: Lối đi nào cho Trung Quốc? - Ảnh 2.

Các nhân viên sửa logo của Huawei tại một cửa hàng điện thoại ở thủ đô Bắc Kinh ngày 14/4/2020 khi Trung Quốc vẫn đang lao đao vì dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc tìm hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa

Câu hỏi đặt ra lúc này là Huawei sẽ làm thế nào để không bị gián đoạn về nguồn cung chip sau quyết định mạnh tay của Mỹ?

Dường như Huawei đã biết trước ngày này sẽ đến. Hiện tập đoàn đang phải nhanh chóng gom chip nhớ từ Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc và "cầu cứu" các đối thủ trong mảng sản xuất chip di động. Bởi việc để sản xuất ra một con chip chỉ vài nanomet là công nghệ mà hiện Mỹ vẫn đang là số 1. Do vậy Huawei được cho là sẽ mất lợi thế nếu không tự sản xuất được chip riêng của mình.

Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra, khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, lĩnh vực linh kiện bán dẫn của Trung Quốc cũng đã bắt đầu từng bước tự đứng trên đôi chân của mình. Hàng chục tỷ USD đã được chi ra để tạo ra những tên tuổi mang tầm cỡ quốc gia. Các chuyên gia cũng nhìn nhận, để sáng kiến công nghệ mới nhất, trị giá 1.400 tỷ USD của nước này thành công, việc tự chủ ngành linh kiện bán dẫn sẽ là một điều kiện then chốt.

Hồi đầu năm nay, khi toàn bộ thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa do dịch COVID-19, vẫn có một nhà máy tại đây được tiếp tục mở cửa, với các chuyến tàu hỏa được cấp phép đặc biệt để đưa chuyên gia tới làm việc - đó là nhà máy chip nhớ Dương Tử, dự án phát triển chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc. Đây là một điều ít tai biết.

Huawei nhận “đòn chí mạng” từ Mỹ: Lối đi nào cho Trung Quốc? - Ảnh 3.

Trung Quốc muốn tự chủ về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Được khởi xướng bởi Đại học Thanh Hoa và tỉnh Hồ Bắc, nhà máy này là một trong số các dự án nhận được hậu thuẫn của Quỹ Đầu tư Lĩnh vực Mạch tích hợp (Big Fund) - một quỹ gần 20 tỷ USD chuyên về phát triển bán dẫn của Trung Quốc.

Dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2019, Dương Tử đã được kỳ vọng có thể sản xuất đến 20% lượng chip nhớ toàn cầu, vượt qua các đối thủ sừng sỏ như: Samsung, Micron và Intel về số lượng.

Số tiền từ quỹ Big Fund cũng chảy vào nhiều doanh nghiệp bán dẫn nội địa khác, trong đó có tên tuổi chip di động đang lên của nước này SMIC. Trong khi thị trường toàn cầu đang sụt giảm, ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc lại tăng trưởng đến 14% vào năm 2019.

Big Fund chỉ là một trong hàng loạt nỗ lực khai phá ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc kể từ năm 2014.

Sự kiện chuyên về ngành bán dẫn hàng năm SEMICON China thu hút tới hàng chục nghìn người tham dự, đặc biệt là từ các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Năm 2019, thêm một quỹ đầu tư với quy mô gần 30 tỷ USD đã được thành lập, dù giới bán dẫn Trung Quốc thừa nhận chặng đường vẫn còn nhiều chông gai.

Giới chuyên gia nhìn nhận, với nhu cầu lên tới trên 300 tỷ USD năm 2019, vượt qua cả nhu cầu về dầu mỏ, tiềm năng cho ngành bán dẫn Trung Quốc là cực lớn và đầu tư mạnh tay vào các "át chủ bài" đang là chiến lược hàng đầu.

Tập trung đầu tư vào những công ty tiềm năng, tăng cường cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng là tham vọng của chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến lược mang tên "China Standards 2035 - Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035", định hình công nghệ tương lai của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Vụ dẫn độ 'ái nữ' của Huawei: Mỹ thắng trong 'hiệp đấu' đầu tiên Vụ dẫn độ "ái nữ" của Huawei: Mỹ thắng trong "hiệp đấu" đầu tiên

VTV.vn - Tòa án Tối cao tại Canada đã ra phán quyết rằng hành vi "lừa gạt ngân hàng" mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu cũng là hành vi vi phạm pháp luật tại Canada.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước