Làm gì để nâng tầm du lịch Việt?

TCKTCT-Thứ bảy, ngày 13/08/2016 14:10 GMT+7

VTV.vn - Thực tế ngành du lịch Việt Nam dù nhiều tiềm năng, đầy hứa hẹn nhưng lại đang tồn tại nhiều bất cập. Làm sao để nâng tầm du lịch Việt?

Ngày 8/8, Cộng đồng ASEAN kỷ niệm 49 năm thành lập, một trong những chủ đề quan trọng được đề cập đó là đẩy mạnh phát triển du lịch vùng.

Hiện ngành du lịch đang đóng góp khoảng 4,4% GDP và tạo ra khoảng 29 triệu việc làm tương đương 10% tổng việc làm của toàn khối. Những con số này cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp không khói đối với ASEAN. Mục tiêu trong 5 năm tới, khối ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa ASEAN trở thành điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Với tiềm năng sẵn có, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển đó. Trong Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch diễn ra tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, thực tế ngành du lịch Việt Nam dù nhiều tiềm năng, đầy hứa hẹn nhưng lại đang tồn tại nhiều bất cập.

Theo thống kê, năm 2015, Việt Nam có gần 7 triệu khách quốc tế và trên 50 triệu khách trong nước, du lịch đang đóng góp 6,6% GDP trong nước và tạo việc làm cho hơn 2,2 triệu người. Thế nhưng nếu so với các nước lân cận thì con số trên quá nhỏ bé. Ví dụ như Thái Lan, lượng khách quốc tế gấp khoảng 4 lần Việt Nam với 30 triệu lượt, Malaysia khoảng 26 triệu, Singapore khoảng 15 triệu. Nhưng đó chưa phải là điều đáng quan ngại, một con số còn khiến nhiều người giật mình hơn đó là có tới 70% lượng khác đến Việt Nam nhưng không có ý định quay trở lại.

Tiềm năng là từ được gắn với du lịch Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Nếu nhìn vào điều kiện tự nhiên thì không thể phủ nhận tiềm năng của du lịch Việt Nam. Nhưng đáng buồn là nhiều năm qua, cứ du lịch thì lại gắn với tiềm năng và vẫn chỉ là tiềm năng theo đúng nghĩa đen của nó.

Theo bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố năm 2015, Việt Năm đứng thứ 75/141, bỏ xa các nước như Campuchia và Myanmar. Thế nhưng tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong 5 năm qua chỉ khoảng 7%, trong khi của Camphuchia là hơn 20%, thậm chí Myanmar là 51%. Ngay cả như Lào vốn không được nhiều ưu đãi về điều kiện thiên nhiên như Việt Nam thì tốc độ tăng trưởng du lịch của Lào cũng đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

Để thúc đẩy ngành du lịch nước nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải tái cơ cấu ngành du lịch, đến năm 2020 du lịch phải đóng góp 10-20% GDP, có ít nhất 15 triệu khách quốc tế và 75 triệu khách nội địa. Muốn phát triển du lịch hay nâng tầm du lịch, thực chất là phát triển hạ tầng, dịch vụ và cải thiện môi trường sống.

Ở Việt Nam có những địa điểm du lịch hướng tới phát triển bền vững và tạo lập giá trị riêng. Ví dụ như Hội An luôn nỗ lực gìn giữ bản sắc, kiến trúc, văn hóa, môi trường nhưng đồng thời cũng đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng hạ tầng kết nối. Điều này đã tạo những dấu ấn đậm nét và rất riêng cho khách du lịch. Tuy nhiên, nếu không có tầm nhìn xa hơn và không có những chiến lược phát triển lâu dài, rất có thể những thế mạnh này sẽ bị phá bỏ, điều này đã từng xảy ra ở nhiều điểm du lịch có một không hai trên thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước