SPAC - Tâm điểm của thị trường tài chính

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 17/04/2021 12:57 GMT+7

VTV.vn - “Cơn sốt” SPAC là từ khóa nóng nhất tuần qua khi kỳ lân công nghệ hàng đầu Đông Nam Á là Grab trở thành cái tên mới nhất gia nhập làn sóng IPO tại phố Wall thông qua SPAC.

SPAC là viết tắt của cụm Special Purpose Acquisition Company, tạm dịch là công ty thâu tóm, sáp nhập với mục đích đặc biệt.

SPAC là một công ty rỗng, không có hoạt động thương mại, được thành lập để niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động một lượng tiền mặt lớn từ một nhóm nhà đầu tư. Sau đó, SPAC sẽ dùng số tiền này để mua một startup có tiềm năng và đưa doanh nghiệp này lên sàn.

Giá cổ phiếu khi IPO của các SPAC thường dao động khoảng 10 USD. Các nhà đầu tư khi rót tiền vào một SPAC sẽ nhận được giấy bảo đảm được mua một lượng lớn cổ phiếu với mức giá cố định sau khi họ thâu tóm được một doanh nghiệp tiềm năng.

Nếu không tìm được đối tượng để mua lại trong hai năm, SPAC sẽ giải thể và hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư.

SPAC - Tâm điểm của thị trường tài chính - Ảnh 1.

SPAC như một chiếc vỏ che chắn cho các công ty mới chưa đủ uy tín, lợi nhuận để hấp dẫn giới đầu tư, nhanh chóng có trong tay khoản vốn họ cần.

Những lý do khiến SPAC được nhiều doanh nghiệp lựa chọn

Trên thực tế, IPO thông qua SPAC đang là xu thế bùng nổ, đặc biệt là tại phố Wall. Theo thống kê của Refinitiv và Dealogic, chỉ riêng trong quý I/2021, đã có khoảng 300 SPAC nộp đơn xin IPO. Trong đó, có 1/3 số lượng SPAC đã tìm được đối tác để sáp nhập, qua đó huy động được 232 tỷ USD. Vì sao xu hướng này lại có sức hút lớn như vậy?

SPAC giải quyết được nhiều điều mà quy trình IPO truyền thống khó chấp nhận. Đó là các thủ tục, kinh phí, thời điểm. Đặc biệt là các thủ tục về minh bạch tài chính, các yêu cầu giải trình về định hướng phát triển, kinh doanh… có thể khiến các công ty trượt thời điểm gọi vốn.

Ví dụ như công ty chia sẻ văn phòng WeWork từng trượt IPO theo cách truyền thống vì các nghi ngại đối với đội ngũ lãnh đạo và tương lai tài chính. Sau đó đã rất thuận lợi để IPO sau khi qua SPAC.

Nói cách khác, các SPAC như một chiếc vỏ che chắn cho các công ty mới, chưa đủ uy tín, lợi nhuận để hấp dẫn giới đầu tư, nhanh chóng có trong tay khoản vốn họ cần.

Các SPAC ngày càng trở nên phổ biến cũng bởi gần đây nhiều công ty lớn hay các tên tuổi lớn "mở" SPAC. Đó là cựu quản lý cấp cao của Facebook Chamath hay tỷ phú William Ackman. Những SPAC của các nhân vật này đã làm tăng thêm sự tin tưởng với cả 2 phía là nhà đầu tư và công ty mục tiêu.

SPAC - Lựa chọn mới cho các danh nghiệp Đông Nam Á

Không như các doanh nghiệp tại Mỹ hay Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á bị cho là vẫn đang thiếu những lựa chọn phù hợp để gọi vốn. Trong bối cảnh đó, SPAC với những ưu điểm của mình được dự báo sẽ là một xu hướng mới của các doanh nghiệp.

Ông Matthew Kennedy - Chiến lược gia cấp cao về thị trường IPO, quỹ đầu tư Renaissance Capital cho hay: "Thị trường IPO đang rất sôi động. Nếu một công ty gặp khó khăn khi lên sàn bằng cách thức truyền thống có thể lựa chọn SPAC. Phương thức này giúp các công ty lên sàn và huy động vốn rất nhanh".

SPAC - Tâm điểm của thị trường tài chính - Ảnh 2.

Grab dự kiến gia nhập làn sóng IPO tại phố Wall thông qua SPAC.

Hiện hai công ty khởi nghiệp đình đám của khu vực Đông Nam Á là Grab và Traveloka đều dự kiến sẽ lên sàn thông qua hình thức SPAC trong những tháng tới. Các chuyên gia kỳ vọng, sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư tư nhân và công ty đầu tư mạo hiểm thành lập SPAC.

Ông Rajive Keshup - Giám đốc quỹ đầu tư Cathay Capital cho hay: "Chúng tôi đã nhận thấy xu hướng tương tự tại các thị trường lớn khác và giờ đây là kỷ nguyên vàng của Đông Nam Á. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một lượng lớn vốn đổ vào khu vực sau thương vụ của Grab".

Theo các chuyên gia, nhóm doanh nghiệp ưa thích sử dụng SPAC nhất sẽ là các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ trong những lĩnh vực mới nổi như xe điện hay tiền kỹ thuật số.

Những rủi ro tiềm ẩn từ việc IPO qua SPAC

Những lợi ích mà SPAC mang lại là không ít nhưng nhiều ý kiến cho rằng hình thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho nhà đầu tư.

Lợi thế của SPAC cũng chính là rủi ro SPAC có thể mang đến cho nhà đầu tư. Nếu quy trình IPO truyền thống "khó tính" giúp đảm bảo cho các khoản đầu tư có khả năng sinh lời tốt nhất thì SPAC mang tính mạo hiểm nhiều hơn.

Ví dụ năm 2015, trong số 107 công ty qua SPAC, cổ phiếu không những không có lãi mà để lỗ trung bình 1,4% giá trị. Trong khi, lợi nhuận trung bình mà các công ty theo IPO truyền thống mang về cho nhà đầu tư là 49%.

Dù đến 2020, nhờ các vụ sáp nhập các công ty làm ăn tốt, lợi nhuận cổ phiếu trung bình của SPAC có tăng lên 17%, nhưng vẫn thua xa IPO truyền thống.

Rủi ro thứ hai cho các nhà đầu tư là họ không thích công ty mà SPAC mua lại. Dù có thể rút lui nhưng rút lui cũng tạo ra 2 bất lợi là chi phí cơ hội và nếu nhiều người rút, các khoản đầu tư vào công ty mục tiêu sẽ không thành công.

Về cơ bản, SPAC mở ra cánh cửa cơ hội cho các công ty startup vươn ra biển lớn để gọi vốn. Nó cũng mang đến cho các nhà, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp một "món ăn" mới. Và "món ăn" này chưa chắc đã "an toàn" với các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn có ít thông tin về các "nguyên liệu" làm ra nó.

Giới chức Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) đang rất quan tâm đến sự bùng nổ của xu hướng IPO thông qua SPAC. Cơ quan này tuần trước đã đưa ra cảnh báo rằng các nhà đầu tư thường không được thông báo đầy đủ về những rủi ro liên quan đến các công ty SPAC và do đó có thể không nắm rõ được những gì sẽ diễn ra tiếp theo sau khi SPAC niêm yết.

Theo dự đoán, dưới thời của tân Chủ tịch SEC Gary Gensler, rất có thể các công ty SPAC sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn ngay sau khi lên sàn, qua đó hạn chế những rủi ro đối với thị trường và nhà đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước