Theo thống kê của Viện Công nghệ tái chế phế liệu Mỹ, ngành công nghiệp tái chế phế liệu đã tạo ra hơn 450.000 việc làm và mang về khoản thu trên 90 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Ngành công nghiệp tái chế phế liệu cũng đang trở thành hướng đi hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Indonesia.
Ông Agianda Melzeindhy, Giám đốc Marketing Matoa, cho biết: “Chúng tôi tận dụng tối đa những nguyên liệu từ ngành sản xuất nội thất. Khi những nhà chế tác nội thất hoàn thành sản phẩm của mình cũng là lúc chúng tôi sử dụng nguyên liệu thừa của họ để tạo ra những chiếc đồng hồ nghệ thuật”.
Trung bình một ngày, xưởng cho ra đời gần 30 chiếc đồng hồ, mỗi chiếc được bán với giá từ 75 - 120 USD, tức là khoảng gần 2 triệu đồng. Chính quyền địa phương thậm chí đã thành lập một uỷ ban chuyên biệt nhằm hỗ trợ những doanh nhân trẻ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm thủ công như thế này.
Ông Galih Sedayu, Phó Giám đốc Uỷ ban Công nghệ Sáng tạo, nói: “Công ty Matoa rất thú vị. Những nhà máy khác thường sản xuất và tạo ra rác thải nhưng Matoa lại làm ngược lại, lấy thứ vứt đi để tạo ra sản phẩm”.
Đồng hồ gỗ vụn cũng rất được ưa chuộng trên thị trường bởi tính độc đáo của nó. Bà Sally, một khách hàng, cho biết: “Chiếc đồng hồ này thật khó tìm. Bình thường, người ta mua đồng hồ kim loại hay đồng hồ dây da, ít người có đồng hồ bằng gỗ lắm. Đồng hồ bằng gỗ đeo rất nhẹ”.
Đồng hồ Matoa có tới 5 thiết kế khác nhau tượng trưng cho 5 hòn đảo của Indonesia. Hiện Matoa đã được xuất khẩu tới ít nhất chín quốc gia, bao gồm những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.