Trước sự cấp thiết của việc phải bảo vệ môi trường trước rác thải nhựa, theo Liên Hợp Quốc, 50 quốc gia trên thế giới đã đưa ra cam kết hành động để giảm ô nhiễm trắng.
Để làm được điều này, các chính phủ, tổ chức và cá nhân đã cùng chung tay đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế việc vứt bỏ rác thải nhựa ra ngoài thiên nhiên, tăng cường nhận thức về tái chế sản phẩm nhựa. Sau đây là một số giải pháp như vậy.
Chính sách hạn chế rác thải nhựa
Ống hút hiện đã bị cấm bán ở Anh. Ảnh minh họa
Chính phủ Anh khẳng định sẽ cấm bán ống hút, dụng cụ khuấy đồ uống và bông ngoáy tai, bằng nhựa vào cuối năm 2018.
Trước đó, Anh cũng từng cam kết cấm sử dụng hạt vi nhựa trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Các chính sách này nhằm giảm số lượng sản phẩm nhựa đang lưu thông và cải thiện tỷ lệ tái chế. Một số quốc gia EU khác như Pháp, Italy cũng đề ra chính sách hạn chế việc sử dụng túi nylon, chai nhựa, khuyến khích các sản phẩm có thể phân hủy.
Trung Quốc - một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn cũng đã cấm sản xuất, phân phối các loại túi nylon sử dụng một lần.
Giải pháp công nghệ
Nhà khoa học nghiên cứu enzyme ăn rác thải nhựa.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tìm kiếm các phương pháp xử lý rác thải nhựa thay cho chôn lấp hay đốt, vốn cũng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đột phá chỉ xuất hiện gần đây, khi các nhà khoa học Anh và Mỹ tìm ra một loại enzyme có khả năng "ăn" các loại rác thải nhựa và đang nghiên cứu phát triển enzyme này để sử dụng ở quy mô công nghiệp.
Nghiên cứu xuất phát từ một loại vi khuẩn tự nhiên có đặc tính tiêu hủy các loại nhựa nhiệt dẻo, hay gọi là nhựa PET. Một enzyme của vi khuẩn này khi được bổ sung axit amin đã thúc đẩy tốc độ tiêu hủy nhựa. Trong khi nhựa thường phải mất đến 400 năm mới tiêu hủy, vi khuẩn có thể ăn chúng chỉ trong vài ngày.
Nâng cao nhận thức
Nghệ sĩ Thomas Dambo và một góc khu vườn nhựa. Ảnh: EPA
Khu vườn có tên là "Rừng của tương lai" của nghệ sĩ Thomas Dambo thoạt nhìn có thể gây ấn tượng với người xem bởi tất cả những thứ được bố trí trong khu vườn này đều được làm hoàn toàn từ nhưa phế thải.
Để tạo ra khu vườn này, Dambo và hàng chục tình nguyện viên đã phải lao động trong nhiều giờ để thu thập hộp nhựa, nắp chai từ các nhà hàng và các bãi chôn lấp rác trước khi làm sạch và tạo hình cho chúng.
Thông qua khu vườn nhựa này, Dambo và các nhà tổ chức muốn gửi đi một thông điệp về việc sử dụng và tái chế rác thải nhựa mà hiện đang là một vấn đề làm đau đầu chính quyền thành phố.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!