Các nước bao gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và EU đã cam kết hỗ trợ 23 triệu USD cho các nước phát triển. Số tiền này nhằm hỗ trợ về công nghệ và xây dựng khả năng thích ứng cho các nước đang phát triển, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về giải pháp công nghệ phù hợp với các nước đang phát triển.
Các đề nghị hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ xây dựng năng lực cho các chính sách quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả tại Colombia, hỗ trợ kỹ thuật về thiết kế và tài trợ cho các công nghệ sấy khô sản phẩm thu hoạch và lưu kho nhằm tăng cường an ninh lương thực tại Mali và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ Nam - Nam tại Bhutan nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa cho biết, thúc đẩy phát triển công nghệ sạch và xanh cùng hỗ trợ tài chính sẽ có vai trò quan trọng đối với việc thực thi các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, cũng như các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong các nước cam kết hỗ trợ, đáng chú ý là Mỹ, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các quốc gia đã lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị lần này, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, nước này đang trên đường đạt tới các mục tiêu của một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và không tin rằng xu hướng này có thể hay sẽ bị đảo ngược.
Ông Kerry khẳng định xu hướng toàn cầu rõ ràng hiện nay là từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, vốn thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính, để chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, xanh hơn và thân thiện môi trường.
Ông cho rằng, thế giới sẽ gặp nguy hiểm nếu không nhanh chóng hành động, đồng thời nhấn mạnh không ai có quyền đưa ra quyết định làm ảnh hưởng tới hàng triệu người chỉ dựa trên ý thức hệ mà không có cơ sở chính đáng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!