Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ tập trung tiêm cho người dân thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal, giai đoạn 2 tập trung tiêm cho hơn 2 triệu người ở 11 tỉnh khu vực Tây Nam và giai đoạn 3 tiêm cho khoảng 4,4 triệu người ở 12 tỉnh còn lại.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết: "Chúng tôi không thể tiêm cho một số người trong khu vực này sau đó chuyển sang tiêm cho một số người ở khu vực khác. Nếu làm như vậy, không thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Thủ đô Phnom Penh là nơi ưu tiên số một cho chiến dịch tiêm vaccine COVID-19, tiếp theo sẽ đến tỉnh Kandal, sau đó mới đến các địa phương khác cho tới khi hoàn thành tiêm cho hơn 10 triệu người".
Sau khi tiếp nhận được hơn 6 triệu liều vaccine COVID-19, kể từ giữa tháng 2 đến hết tháng 5/2021, Campuchia đã triển khai tiêm được cho gần 2,7 triệu người, tập trung chủ yếu tại thủ đô Phnom Penh.
Campuchia đã ký hợp đồng mua hơn 20 triệu liều vaccine, chủ yếu là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Trong tháng 6 này, Campuchia sẽ nhận thêm 4,5 triệu liều và đây cũng là thời điểm nước này hoàn thành tiêm trên địa bàn thủ đô Phnom Penh để chuyển sang tiêm cho tỉnh Kandal.
Chỉ trong tháng 5 vừa qua, Campuchia đã mở chiến dịch thần tốc do các đơn vị quân y đảm trách, tiêm cho gần 900 ngàn người tại những khu vực vùng đỏ có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao ở thủ đô Phnom Penh.
Trong chiến lược tiêm vaccine cho hơn 10 triệu người từ 18 tuổi trở lên, Campuchia cũng ưu tiên tiêm trước cho khoảng 6 triệu người ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, nhà máy là những khu vực đông người trên cả nước, sau đó mới mở rộng đến các vùng nông thôn.
Chiến lược tiêm vaccine COVID-19 ở Campuchia cho khoảng hơn 10 triệu người để đảm bảo đạt được miễn dịch cộng đồng dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!