Đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine, tình trạng lạm phát đã khiến cuộc sống trở nên khó khăn, nhưng với người dân ở Kenya, họ còn đối mặt với một cái khó nữa, đó là hạn hán.
Trong vùng cát bụi khô hạn ở Purapul, người dân đang cận kề với nạn đói, họ cầm cự qua ngày nhờ những quả dại. Đã ba năm nay, vùng đất này không có mưa và không còn gì để ăn.
Chị Loka Metir - Người bộ tộc Turkana phải nuôi 5 đứa con, họ không có gì để ăn ngoài quả dại. "Chúng tôi không biết làm thế nào để trồng trọt, gia súc chết hết vì hạn hán, chúng tôi cũng sắp chết đói. Ăn quả rừng là cách duy nhất giúp chúng tôi tồn tại".
Chị Loka đun sôi chỗ quả dại để giảm chất đắng, những trái đắng có thể khiến bọn trẻ bị ốm. "Tôi cho bọn trẻ ăn những quả này, đây là thứ duy nhất mà tôi có. 4 mùa liên tiếp không đủ mưa khiến vùng đất nay trở nên sắt lại".
Các con sông và giếng cạn khô, đồng cỏ biến thành cát bụi, hàng triệu đầu gia súc chết mòn. Biến đổi khí hậu thực là khắc nghiệt.
Bà Iripiyo Apothya - Người bộ tộc Turkana nói: "Hạn hán lần này quá tồi tệ. Trước đây, hạn hán ngắt quãng, nhiều động vật sống sót hơn là chết. Cuộc sống sẽ ổn định trở lại khi có mưa và chúng tôi lại có sữa, thịt. Nhưng bây giờ, hạn hán kéo dài ba năm liền, tất cả đồng cỏ khô hạn, gia súc chết, con người cũng chết vì cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào chúng".
Đợt hạn hán này được dự báo có thể kéo dài đến năm 2023, nhưng điều đó cũng chưa đủ để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Theo Liên Hợp Quốc, lời kêu gọi cho quỹ viện trợ của Ukraine đã nhận được gần 2 tỷ USD, đáp ứng đến 86% mục tiêu của nước này. Trong khi đó, kêu gọi hỗ trợ cho tình trạng hạn hán ở Kenya, một con số khiêm tốn hơn nhiều chỉ được đáp ứng 17%.
Quả dại cũng đang dần cạn kiệt...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!