Các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy các xe tăng gần thánh đường Al-Awda, công trình biểu tượng tại trung tâm Rafah. Phía quân đội Israel cho biết lực lượng này sẽ tiếp tục các hoạt động tại Rafah.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn đang lên án cuộc không kích của quân đội nước này ngày 26/5 vào một trại tị nạn ở Rafah khiến ít nhất 45 dân thường thiệt mạng.
Những tiếng than khóc khắp nơi từ những người bị mất người thân sau các cuộc không kích của Israel. (Ảnh: Shutterstock)
Ông Mohammad Abu Shahma (45 tuổi), một người sống trong trại tị nạn ở Rafah cho biết, gia đình ông đã chuẩn bị xong đồ đạc để sơ tán đến nơi khác. Cũng giống như nhiều gia đình khác, ông sẽ chuyển đến khu vực Mawasi - một vùng đất ven biển phía Tây Bắc Rafah, nơi Israel sơ tán dân thường đến đây, còn đàn ông trong nhà sẽ đến thành phố Khan Younis gần đó.
Ông Shahma kể: "Tưởng rằng cả gia đình tôi sẽ an toàn vì lều của chúng tôi cách nơi xảy ra vụ tấn công gần 0,5 km, nhưng rồi tôi đau đớn chứng kiến anh trai qua đời sau khi bị mảnh đạn đâm vào ngực và cổ". Anh trai của ông Shahma là cha của 10 đứa trẻ, một số trong những đứa trẻ này đã bị thương.
Các gia đình lũ lượt rời Rafah để sơ tán đến nơi khác (Ảnh: NBC News)
Khu trại tị nạn trúng không kích hôm 26/5 không nằm trong khu vực mà quân đội Israel yêu cầu sơ tán và người dân cũng không được yêu cầu rời đi trước khi vụ tấn công xảy ra.
Theo một bác sĩ, những bệnh nhân cần được chuyển lên tuyến trên không tìm được nơi chữa trị vì hai bệnh viện lớn ở Rafah đã bị lực lượng Israel yêu cầu sơ tán trước đó, một bệnh viện nhỏ hơn cũng cho biết phải đóng cửa sau nhiều đợt tấn công.
Cho đến hôm nay, nhiều người Palestine vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ tấn công đêm 26/5. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận vụ việc này là "sự cố thảm họa", đồng thời cho biết giới chức trách đang điều tra và sẽ đưa ra kết luận về vụ việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!