Châu Á đón đầu "làn sóng bạc"

VTV Digital-Thứ năm, ngày 19/09/2024 14:40 GMT+7

VTV.vn - Trước xu thế già hòa dân số, các nước châu Á đang tìm cách thích ứng, đón nhận để người cao tuổi như động lực cho kinh tế, thay vì tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Trung Quốc tăng độ tuổi nghỉ hưu

Làn sóng dân số già đã lan rộng trong nhiều năm trở lại đây khi ngày càng nhiều quốc gia chứng kiến tỷ lệ kết hôn và sinh con sụt giảm, trong khi thế hệ ông bà, cha mẹ của giới trẻ đã đến thời điểm cần được chăm sóc, nghỉ ngơi. Từ lâu nay, tỷ lệ sinh thấp kéo theo già hóa dân số đã dẫn đến những lo ngại về áp lực lên hệ thống an sinh xã hội cũng như thiếu hụt nguồn lao động. Chính vì lẽ đó, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới là Trung Quốc đã có một quyết định đột phá là tăng dần tuổi nghỉ hưu lên tối đa 5 năm từ đầu năm 2025 để ứng phó bài toán thiếu hụt lao động.

Châu Á đón đầu làn sóng bạc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bloomberg)

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ tăng từ 60 lên 63 tuổi và của nhân viên văn phòng nữ từ 55 lên 58 tuổi. Cùng với việc tăng dần tuổi nghỉ hưu, Trung Quốc cũng tăng dần thời gian nộp bảo hiểm xã hội. Theo giới phân tích, quyết định tăng độ tuổi nghỉ hưu sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống lương hưu, trong khi những người lao động lớn tuổi có thể cống hiến lâu hơn. Động thái này cũng có thể giúp ích cho nền kinh tế trong bối cảnh lực lượng lao động đang giảm sút do tỷ lệ sinh thấp.

Trước đó, giới chức Trung Quốc đã đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu và phát triển "nền kinh tế tóc bạc" để tạo ra nhiều việc làm hơn cho người cao tuổi.

Những con số ấn tượng về "nền kinh tế bạc"

Ước tính, sẽ có thêm 300 triệu người bước vào tuổi nghỉ hưu tại Trung Quốc trong thập kỷ này - con số tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ nên việc chủ động đón đầu xu hướng này đang là câu chuyện cấp thiết nhưng không phải của riêng Trung Quốc.

Theo ước tính, nhóm người trên 60 tuổi của châu Á hiện khoảng 642 triệu người, gấp 3,5 lần so với châu Âu. Trong khi đó, dự báo đến năm 2030, châu Á sẽ là nơi sinh sống của 60% những người từ 65 tuổi trở lên trên toàn cầu. Nhật Bản lúc đó rất có thể sẽ trở thành quốc gia "siêu già" đầu tiên của thế giới, theo sau là Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore...

Điều đáng nói là tỷ lệ dân số già có khả năng sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới do tuổi thọ tiếp tục tăng, điều đó đồng nghĩa với việc "nền kinh tế phục vụ thế hệ tóc bạc" sẽ ngày càng phát triển ở châu Á. Theo một ước tính, đến năm 2030, tổng sức mua hàng năm của những người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á dự kiến sẽ tăng 103% lên khoảng 8.600 tỷ USD.

Cơ hội từ "làn sóng bạc"

Trong bối cảnh xu hướng già hóa dân số đã là điều không thể đảo ngược, các thị trường và thương hiệu đã chuyển hướng tới đối tượng khách hàng lớn tuổi, để "đi trước đón đầu", tận dụng những cơ hội từ nhóm dân số này.

Từ gậy chống, khung tập đi cho đến những sản phẩm của tương lai như trợ lý robot, xe không người lái, giám sát tại nhà, công nghệ cảnh báo té ngã…, những thiết bị này đang được các công ty khởi nghiệp của Singapore và Trung Quốc giới thiệu cho nhóm khách hàng đặc thù là các cụ ông, cụ bà.

Theo báo cáo của Citibank Singapore, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cũng tạo cơ hội cho các công ty phục vụ phúc lợi của người cao tuổi khi thế hệ ngày ngày càng có ý thức cao hơn về duy trì sức khỏe tốt. Tiềm năng này có thể giúp phá vỡ tư duy cho rằng dân số già sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế và xã hội.

Châu Á đón đầu làn sóng bạc - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ông Heron Lim (chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics) phân tích: "Các nước châu Á đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, nhưng cùng với đó thì nền kinh tế bạc lại là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất. Bởi khi đạt đến tuổi nghỉ hưu, thế hệ người cao tuổi này gần như không còn gánh nặng về kinh tế do đã tiết kiệm được khá nhiều từ quãng thời gian làm việc không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, cũng có xu hướng không phải sống quá tiết kiệm để hỗ trợ con cái nhiều như trước nên nhóm dân số này sở hữu khoản tài chính khá ổn định để chi tiêu khi nghỉ hưu".

Với những người lớn tuổi, các dịch vụ và trải nghiệm đặc thù để nâng cao chất lượng cuộc sống đã góp phần đem lại cho họ nhiều niềm vui và cảm giác "không bị bỏ lại phía sau".

Không chỉ về công nghệ, thị trường đào tạo nhân lực chăm sóc người cao tuổi cũng phát triển. Hiện tại, hầu hết những người làm công tác chăm sóc của Trung Quốc đều trên 45 tuổi nhưng thế hệ trẻ đang bắt đầu bị thu hút vào nghề này do mức lương tốt được cung cấp.

Theo ông Kelvin Tan (chuyên gia tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore): "Sự thay đổi nhân khẩu học to lớn và áp lực đang ngày càng gia tăng. Các chính phủ cần chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn giúp hàng trăm triệu người dân châu Á và Thái Bình Dương già đi một cách lành mạnh. Các chính sách cần hỗ trợ đầu tư trọn đời vào y tế, giáo dục, kỹ năng và chuẩn bị sẵn sàng về tài chính cho việc nghỉ hưu".

Theo các chuyên gia, việc các nước thúc đẩy phát triển nền kinh tế tóc bạc là một phản ứng tích cực đối với vấn đề già hóa dân số, từ đó có thể giúp thiết lập cơ chế dịch vụ điều dưỡng và lương hưu chất lượng cao.

"Kinh tế người cao tuổi" tại Nhật Bản

Nói đến câu chuyện già hóa dân số không thể không nhắc đến Nhật Bản - quốc gia có lượng người cao tuổi đông đảo hàng đầu thế giới đã nhiều thập kỷ nay. Nhưng đây cũng là yếu tố giúp nước này tiên phong trong việc tận dụng triệt để cơ hội từ một xã hội già hóa hướng tới một tương lai bền vững.

Việc tận dụng những cơ hội từ một xã hội già hóa và siêu già như Nhật Bản được tiến hành trên diện rộng trong mọi lĩnh vực, cả khu vực nhà nước và tư nhân. Đối với lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản tập trung phát triển lĩnh vực kinh tế người cao tuổi như chuyên nghiệp hóa các dịch vụ chăm sóc người già, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm cho người cao tuổi…; hướng đến xuất khẩu các dịch vụ, sản phẩm này ra thế giới, đón đầu xu hướng già hóa tại các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp đổi mới để tận dụng được lực lượng lao động cao tuổi.

Châu Á đón đầu làn sóng bạc - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: South China Morning)

Đối với lĩnh vực y tế, công nghệ, Nhật Bản đang phấn đấu trở thành quốc gia đi đầu về chăm sóc, điều trị cho người già và nâng cao tuổi thọ và xuất khẩu công nghệ, dịch vụ y tế ra nước ngoài. Nhật Bản đẩy mạnh công nghệ hóa, số hóa trong cuộc sống người cao tuổi như robot thông minh hay trí tuệ nhân tạo.

Đối với an sinh xã hội, xã hội già hóa là cơ hội để Nhật Bản hoàn thiện hệ thống một cách bền vững với các cơ chế về lương hưu, bảo hiểm, dịch vụ công cộng… hướng đến người cao tuổi, đồng thời không tạo gánh nặng cho thế hệ mai sau, với mục tiêu là giúp người cao tuổi có thể tự chăm sóc cho chính mình đến cuối đời.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tận dụng xã hội già hóa trong việc bảo vệ môi trường, ít phát thải hơn so với một xã hội tăng dân số.

Biến quỹ thời gian rảnh rỗi thành "ngân hàng thời gian"

Trong nỗ lực đưa ra giải pháp lấp đầy khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, một giải pháp đang được hơn 20 quốc gia áp dụng chính là mô hình "ngân hàng thời gian". Đây là hệ thống khuyến khích nhóm người ít tuổi hơn dành quỹ thời gian dư dả của mình để chăm sóc những người nhiều tuổi hơn, qua đó thúc đẩy các kết nối xã hội và hỗ trợ lẫn nhau...

Bà Ma Xiajing, 87 tuổi, sống một mình trong khi hai con của bà lại không ở gần. Tuy nhiên, bà đã phần nào vơi bớt nỗi cô đơn vì đã có người chăm sóc là bà Ding Paylee - 67 tuổi. Bà Ding thường xuyên đến trò chuyện và định kỳ lại đưa bà Ma đi viện.

Bà Ding Peili (67 tuổi, người dân TP Thượng Hải, Trung Quốc) chia sẻ: "Tôi rất vui khi có thể giúp đỡ phần nào vì nghĩ sẽ có lúc tôi cũng sẽ quá lớn tuổi để tự chăm sóc bản thân mình. Tôi đã tích lũy được hơn 10 xu thời gian để có thể sử dụng trong tương lai nếu cần".

Với mô hình ngân hàng thời gian này, các tình nguyện viên có thể đăng ký hỗ trợ qua ứng dụng Wechat. Các công việc rất đa dạng, từ việc giúp chăm sóc những cụ ông cụ bà, đưa họ tới bệnh viện thăm khám, hoặc bất cứ công việc gì cần thiết. Thay vì nhận lương, người chăm sóc sẽ được cộng điểm được gọi là "xu thời gian" cho mỗi một giờ làm tình nguyện. Những đơn vị "xu thời gian" này sẽ được tích lũy và họ có thể dùng chúng để đổi lấy các dịch vụ miễn phí khi nhiều tuổi hơn.

Châu Á đón đầu làn sóng bạc - Ảnh 4.

Theo khảo sát của các "ngân hàng thời gian", ngày càng nhiều người lớn tuổi tại Trung Quốc không thể tự làm những công việc cơ bản như thay quần áo và tắm rửa. Do đó, giới chuyên gia nhận định những ngân hàng thời gian không chỉ giải quyết thách thức từ tình trạng già hóa dân số mà còn thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ tình nguyện.

Mô hình ngân hàng thời gian từng vấp phải nhiều khó khăn do thiếu tình nguyện viên, quy trình quản lý và các quy tắc rõ ràng. Thậm chí, một số người cao tuổi thường không thích sự xuất hiện của người lạ. Nhưng giờ đây, họ đã quen với sự hỗ trợ của tình nguyện viên và sẵn sàng hợp tác để cải thiện tình trạng sống tốt hơn.

Có thể nói đây là hoạt động lợi cả đôi đường khi vừa giúp những người lớn tuổi trở nên năng động hơn vừa thiết lập cơ chế hỗ trợ chéo lẫn nhau giữa các thế hệ. Cùng với những tiến bộ về khoa học công nghệ, người cao tuổi hoàn toàn có thể sống khỏe, vui, có ích, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Cũng vì thế, việc tận dụng những tiềm năng từ "làn sóng bạc" sẽ là chìa khóa để nhiều quốc gia hóa giải thách thức từ xu hướng già hóa dân số, đồng thời thúc đẩy "nền kinh tế bạc" bền vững và phát triển hơn trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước