EU áp dụng quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa (Ảnh: AFP)
Quy định này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế sản xuất nhựa sử dụng một lần và đã được chuyển thành luật ở các quốc gia thành viên EU.
Năm 2021, EU đã cấm đĩa nhựa, dao kéo, ống hút và tăm bông dùng một lần. Tuy nhiên, các công ty vẫn được phép bán hết số hàng đã sản xuất trong kho. Đến tháng 3 năm nay, các nước EU đã nhất trí thỏa thuận cấm bao bì nhựa sử dụng một lần từ năm 2030.
Theo đó, các sản phẩm nhựa dùng một lần chỉ được bán ra thị trường nếu đáp ứng các yêu cầu thiết kế sản phẩm cụ thể giúp giảm đáng kể số lượng nắp làm bằng nhựa thải ra môi trường.
Quy định cũng áp dụng cho phần trên của bao bì tổng hợp chẳng hạn như hộp sữa hoặc hộp nước trái cây có chứa bìa cứng, nhựa hoặc nhôm, nhưng không bao gồm phần trên của hộp đựng bằng thủy tinh và kim loại, cũng như các hộp đựng được sử dụng cho mục đích y tế.
Italy là một trong những nước đầu tiên ủng hộ các nỗ lực của EU nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do đồ nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, ngày 23/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành điều tra Italy vì cho rằng nước này không thực hiện các hướng dẫn nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Hiện nay, nắp chai, nắp hộp là một trong những sản phẩm nhựa dùng một lần được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển ở châu Âu. Một nghiên cứu quốc tế mới đây cho thấy hơn 50% ô nhiễm nhựa xuất phát từ các sản phẩm có thương hiệu trên toàn cầu.
Các số liệu theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới cho thấy công ty Coca-Cola của Mỹ là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Tiếp theo là tập đoàn PepsiCo (chiếm 5%), Nestle của Thụy Sỹ và công ty thực phẩm Danone của Pháp (chiếm 3%).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!