Đây là cảnh báo của các chuyên gia khí hậu Liên Hợp Quốc vào ngày 4/4.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cho biết, lượng khí thải phải đạt đỉnh trước năm 2025 và giảm mạnh để duy trì mục tiêu kiềm chế tình trạng Trái đất nóng lên trong ngưỡng 2°C của Thỏa thuận chung Paris.
Giám đốc IPCC Hoesung Lee cho biết: "Chúng ta đang ở ngã ba đường. Các quyết định mà chúng ta đưa ra hiện nay nhằm có thể đảm bảo một tương lai có thể sống được".
Các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu được coi là những đánh giá có thẩm quyền nhất về tình trạng ấm lên toàn cầu, tác động của nó và những biện pháp đang được thực hiện để giải quyết thực trạng này.
Điểm giới hạn cho dữ liệu trong báo cáo là vào mùa thu năm 2021. Do đó, tác động của các lệnh trừng phạt gần đây đối với Nga do hậu quả của cuộc xung ở Ukraine đã không được tính đến.
Các chính phủ đã nhất trí trong Thỏa thuận chung Paris năm 2015 nhằm giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở mức 1,5°C trong thế kỷ này để tránh thảm họa khí hậu. Nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu này sẽ đòi hỏi phải cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngày 4/4, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc đã trình bày các phương án để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chiết xuất CO2 từ không khí nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đã làm bề mặt Trái đất nóng hơn 1,1°C so với mức vào giữa thế kỷ 19 và các quốc gia đã cam kết theo Thỏa thuận Paris năm 2015 hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2°C hoặc 1,5°C nếu có thể.
Các chính sách cắt giảm carbon hiện nay sẽ chỉ giảm nhẹ lượng khí thải vào năm 2050, dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu ở mức 3,2°C vào cuối thế kỷ này. Ngay cả mức giới hạn 2°C cũng sẽ trở nên vô cùng thách thức.
Lượng khí thải hàng năm sẽ cần giảm 1,5 tỷ tấn CO2 hoặc các khí tương đương (GtCO2-eq) mỗi năm từ năm 2030 đến năm 2050, mức giảm hàng năm tương tự như vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5°C, 2°C hoặc thậm chí 2,5°C, lượng khí thải phải đạt đỉnh trước năm 2025.
Tuy nhiên, vào năm 2021, lượng khí thải đã tăng trở lại, đạt mức kỷ lục trước đại dịch là hơn 40 tỷ tấn CO2 (40 GtCO2).
Ở mức phát thải trong năm 2019, "ngân sách carbon" của Trái đất cho 2/3 cơ hội ở dưới ngưỡng 1,5°C sẽ được sử dụng hết trong vòng 8 năm.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, lượng khí thải carbon độc hại trong giai đoạn 2010-2019 ở mức cao kỷ lục trong lịch sử loài người. Nếu không hành động sớm, nhiều thành phố lớn sẽ chìm trong nước và thế giới có thể phải hứng chịu các đợt nắng nóng, bão lũ chưa từng có trong lịch sử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!