Chính sách đối ngoại hiệu quả của Tổng thống Barack Obama

Việt Hùng (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 26/07/2015 13:47 GMT+7

VTV.vn - “Tổng thống Obama sẽ được lịch sử ghi nhận là người có chính sách đối ngoại rất hiệu quả đối với các vấn đề quốc tế cũng như đối với vị thế của Mỹ trên thế giới”.

Đó là nhận xét của ông Marvin Ott, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Johns Hopkins ở Mỹ khi bàn về chính sách đối ngoại và di sản đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam ở Mỹ đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp chuyên gia Marvin Ott về góc nhìn của ông đối với vấn đề này.

Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam phỏng vấn chuyên gia Marvin Ott.

Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam phỏng vấn chuyên gia Marvin Ott.

Thưa ông Marvin Ott, ông có thể nói gì về thành tích đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho đến thời điểm này, khi ông Obama sắp kết thúc 8 năm của mình ở Nhà Trắng?

- Có nhiều quan điểm trái ngược nhau ở Mỹ về di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Tôi tin rằng, ông Obama sẽ được lịch sử ghi nhận là người có chính sách đối ngoại rất hiệu quả đối với các vấn đề quốc tế cũng như đối với vị thế của Mỹ trên thế giới. Ông Obama đã nhậm chức trong điều kiện rất khó khăn. Về đối nội, kinh tế Mỹ lúc đó đang ở đáy của suy thoái. Về đối ngoại, Mỹ đang phải tiến hành hai cuộc chiến tranh tốn kém cả về tiền bạc, nhân mạng, danh tiếng ở Iraq và Afghanistan. Khi đó, ông Obama đã tuyên bố sẽ kết thúc 2 cuộc chiến này.

Gần đây, có sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq. Do đó, vấn đề ở Trung Đông vẫn chưa được xử lý triệt để như ông Obama mong muốn. Nhưng ít nhất, ông đã thành công trong việc cắt giảm phần lớn sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực và đặc biệt là sự thiệt hại về con người của Mỹ tại Trung Đông.

Bên ngoài Trung Đông, ông Obama đã cố gắng dịch chuyển ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại sang châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đó là trọng tâm của chính sách xoay trục. Quan trọng là ông ấy đã làm được. Như vậy, nếu xét đến những thách thức khủng khiếp ở thời điểm nhậm chức, ta sẽ thấy những gì ông Obama làm được đến hôm nay là điều rất tốt.

Chuyên gia Marvin Ott.

Chuyên gia Marvin Ott.

Ông đã nói nhiều đến thách thức ở Trung Đông mà ông Obama phải đối mặt. Vậy ông có thể nói gì về thoả thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1?

- Một trụ cột khác trong triết lý của Obama về chiến tranh bên cạnh trụ cột về việc cắt giảm quy mô của các cuộc chiến mà Mỹ đang tham gia, đó là hàn gắn quan hệ với các nước thù địch. Hai nước mà ông Obama đặc biệt quan tâm là Iran và Cuba.

Với Iran, cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này là vô cùng khó khăn. Nó đã diễn ra trong vòng 4 năm, rất căng thẳng và tốn công đàm phán. Người Mỹ vốn rất ác cảm với chính quyền Iran từ vụ cả sứ quán Mỹ ở Iran bị bắt làm con tin năm 1979. Tới lúc này, Iran bị Mỹ coi là đang hỗ trợ cho hàng loạt các tổ chức khủng bố và các chính phủ độc tài ở Trung Đông. Đó là bối cảnh khi ông Obama quyết định rằng, Mỹ cần phải hàn gắn quan hệ với Iran.

Ở điều kiện như vậy mà có thể đàm phán được một bản thoả thuận rất chi tiết với các tiêu chuẩn khắt khe và có khả năng kiểm chứng được kết quả, tôi cho đó là một điều đáng khen ngợi cho chính quyền của Obama. Còn câu chuyện thoả thuận này có hiệu quả không, người Iran có tuân thủ thoả thuận ấy không thì chưa ai biết được. Nhưng tôi cho rằng, điều mà chính quyền Mỹ kỳ vọng là điều đó sẽ khởi đầu cho hàng loạt những thay đổi sau này ở đất nước Iran.

Bản thoả thuận hiện nay có thể nói là gây rất nhiều tranh cãi. Chính phủ Israel bất bình với thoả thuận này và đang cố gắng vận động quốc hội Mỹ phủ quyết nó. Còn tôi cho rằng, đó là một thoả thuận tốt, tốt hơn rất nhiều so với bất kỳ một lựa chọn nào khác.

Về trường hợp của Cuba, ông đánh giá liệu những gì ông Obama đã làm sẽ được tiếp nối sau khi ông Obama rời nhiệm sở không?

- Tôi cho rằng, chắc chắn sẽ là như thế. Vấn đề với Cuba không phức tạp và khó khăn bằng với Iran. Chúng ta đã từng chứng kiến vụ khủng hoảng tên lửa Cuba đúng là nguy hiểm, nhưng thời điểm đó đã qua. Hệ quả của nó là quan hệ song phương đã đóng băng trong hơn 50 năm qua. Có thể ông Obama cho rằng việc đóng băng quan hệ có thể có nghĩa ở vài chục năm trước, nhưng lúc này không còn ý nghĩa gì và ông muốn thay đổi.

Sau đó, lịch sử lại có nhiều chuyện tình cờ. Thật ngẫu nhiên là thời điểm này lại có một Giáo hoàng mới, một người đến từ Mỹ La Tinh và có hứng thú với việc hoà giải và khởi động tiến trình đó.

Đến bây giờ, chúng ta đã chứng kiến bước đi đầu tiên, chính thức bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Cuba, cũng giống như những gì Việt Nam và Mỹ đã làm 20 năm trước. Từ đây, hai bên sẽ dần dần xử lý các bất đồng khác trong quan hệ song phương. Như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy trước là trong vài năm tới, Mỹ và Cuba sẽ phải đàm phán và nhượng bộ trong các khác biệt và bất đồng đó. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.

Xu thế hòa giải trong chính sách đối ngoại: Củng cố vị trí và lợi ích của Mỹ Xu thế hòa giải trong chính sách đối ngoại: Củng cố vị trí và lợi ích của Mỹ

VTV.vn - Đó là nhận định của TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế tại Việt Nam khi bàn về chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước