Công đoàn Mexico kêu gọi Mỹ điều tra các cáo buộc lạm dụng lao động tại nhà máy Panasonic

Quỳnh Chi (Theo US News)-Thứ tư, ngày 20/04/2022 07:45 GMT+7

Các công nhân sắp đặt một gian hàng của Panasonic tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas ở Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters)

VTV.vn - Một tổ chức công đoàn Mexico đã yêu cầu Chính phủ Mỹ điều tra một nhà máy của Panasonic bị cáo buộc vi phạm quyền của người lao động.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các tranh chấp trên cơ sở áp dụng một thỏa thuận thương mại mới để cải thiện điều kiện làm việc ở Mexico.

Trong đơn kiến ​​nghị gửi tới các giới chức lao động Mỹ, công đoàn SNITIS của Mexico cho biết, một nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi của Panasonic ở thành phố biên giới Reynosa (thuộc bang Tamaulipas của Mexico) đã vi phạm Hiệp định thương mại USMCA năm 2020 giữa Mỹ - Mexico - Canada bằng cách ký hợp đồng công đoàn sau lưng các công nhân và sa thải hàng chục nhân viên phản đối.

Rosario Moreno, người đứng đầu SNITIS, một tổ chức công đoàn độc lập phát triển từ sự bất mãn của công nhân với các nhóm lao động truyền thống ở bang Tamaulipas, cho biết: "Điều quan trọng là phải thông báo cho Chính phủ Mỹ rằng quyền của người lao động đang bị vi phạm. Họ đã được giao một hợp đồng mà họ thậm chí không biết", ông Moreno nói về thỏa thuận của Panasonic với công đoàn đối thủ SIAMARM.

Người phát ngôn của chính quyền Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ đang xem xét đơn đề nghị này.

Công đoàn Mexico kêu gọi Mỹ điều tra các cáo buộc lạm dụng lao động tại nhà máy Panasonic - Ảnh 1.

Panasonic cho biết, tranh chấp "không liên quan trực tiếp đến Panasonic". (Ảnh: Reuters)

Khi được hỏi về các cáo buộc lạm dụng lao động, tập đoàn Panasonic ở khu vực Bắc Mỹ cho biết, họ đã cam kết tuân thủ luật lao động và quy trình thương lượng tập thể của Mexico, đồng thời đưa ra "lợi ích cao nhất" trong việc đảm bảo tranh chấp không ảnh hưởng đến quyền tự do thương lượng tập thể của nhân viên.

Panasonic cũng cho biết, tranh chấp xảy ra giữa hai tổ chức công đoàn Mexico SNITIS và SIAMARM và "không liên quan trực tiếp đến Panasonic". Nhà máy của Panasonic tại Reynosa sử dụng gần 1.900 lao động, chuyên sản xuất các hệ thống âm thanh và hiển thị trên xe hơi, phần lớn phục vụ xuất khẩu của Mỹ và Canada.

Cả Panasonic và Hội đồng lao động Tamaulipas, nơi hợp đồng mà SNITIS nói rằng đã được ký mà không có sự đồng ý của người lao động, đều cho biết, thỏa thuận này là hợp pháp.

Hiệp định thương mại USMCA, thay thế NAFTA 1994, đưa ra các quy tắc lao động nghiêm ngặt hơn, trong đó người lao động Mexico được trao quyền yêu cầu mức lương tốt hơn sau nhiều năm trì trệ lương và giúp ngăn chặn tình trạng chi phí lao động thấp tạo ra nhiều việc làm hơn ở Mỹ.

Mỹ đã đưa ra các cuộc điều tra USMCA đầu tiên về vi phạm lao động ở Mexico vào năm 2021, yêu cầu bảo vệ người lao động tốt hơn trong bối cảnh tranh chấp công đoàn tại nhà sản xuất ô tô General Motors và Tridonex, một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô thuộc sở hữu của Mỹ.

Hợp đồng không giờ tại Anh: Cơ hội việc làm hay lạm dụng sức lao động? Hợp đồng không giờ tại Anh: Cơ hội việc làm hay lạm dụng sức lao động?

VTV.vn - Tờ Người Bảo vệ của Anh cho biết, nước này có 910.000 lao động hợp đồng không giờ được ký kết trong năm 2016. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước