Cuộc đua phát triển ứng dụng “hộ chiếu vaccine” tại Mỹ

Việt Linh (Tổng hợp CNN, WSJ, NYT, CNBC)-Thứ ba, ngày 31/08/2021 19:46 GMT+7

VTV.vn - Khi nhiều nơi tại Mỹ bắt đầu yêu cầu chứng nhận tiêm chủng tại các địa điểm công cộng, giới công nghệ cũng bắt đầu ra tay để đưa “hộ chiếu vaccine” đến số đông người dân.

Thị trường đa dạng của "hộ chiếu vaccine" tại Mỹ

Về lý thuyết, "hộ chiếu vaccine" điện tử không phải một mục tiêu quá xa tầm với, đặc biệt là trong tay các ông lớn công nghệ. Tuy nhiên, chặng đường phát triển loại hình chứng nhận này vẫn không kém phần thách thức, đó là những lo ngại về rò rỉ dữ liệu cá nhân, khả năng xác thực giấy chứng nhận cũng như là một thị trường phức tạp khi Mỹ không có một hệ thống dữ liệu y tế và tiêm chủng thống nhất.

Ngay từ hồi tháng 4 khi đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, chính phủ Tổng thống Joe Biden đã khẳng định, giới chức liên bang không có kế hoạch xây dựng dữ liệu tiêm chủng chung hay một mẫu chứng nhận tiêm chủng thống nhất cho mọi người dân. 

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chúng tôi muốn khuyến khích một thị trường mở, với nhiều công ty tư nhân và tổ chức phi lợi nhuận cùng tham gia phát triển giải pháp cho vấn đề này".

Cuộc đua phát triển ứng dụng “hộ chiếu vaccine” tại Mỹ - Ảnh 1.

Nhà Trắng khẳng định không có kế hoạch bắt buộc chứng nhận tiêm chủng chung cho mọi người dân (Nguồn: NYT)

Nhiều bang có Thống đốc theo Đảng Cộng hòa như Florida hay Texas cũng ban hành các sắc lệnh nhằm ngăn chặn việc yêu cầu chứng nhận tiêm chủng bắt buộc, với lý do bảo vệ quyền tự do của công dân. Như Thống đốc Ron DeSanctis của Florida tuyên bố: "Một loại hộ chiếu như vậy sẽ chia công dân thành hai hạng khác nhau, bằng cách phân biệt đối xử dựa trên tình trạng tiêm chủng".

Bất chấp những trở lực này, hàng loạt sáng kiến vẫn đang được triển khai khi mà nhiều ngành nghề đang coi hộ chiếu vaccine là chìa khóa cho quá trình phục hồi hoạt động, như du thuyền và hàng không. Theo CNN, chính quyền Tổng thống Biden cũng đang làm việc với các hãng công nghệ nhằm thiết lập một nhóm tiêu chuẩn cho việc phát triển chứng nhận tiêm chủng điện tử.

Bà Jenny Wanger, người đứng đầu mảng Y tế công cộng thuộc Hiệp hội Linux (LFPH) cho biết hiện đang có "hàng trăm" công ty phát triển các giải pháp chứng nhận tiêm chủng. Đơn vị này cũng đứng sau việc thành lập "Sáng kiến chứng nhận COVID-19", quy tụ khoảng 450 chuyên gia về y tế và công nghệ nhằm thiết lập tiêu chuẩn cho hộ chiếu vaccine, đặc biệt là các ứng dụng mã nguồn mở.

Bà Wanger cho biết: "Chúng tôi muốn các startup cũng như công ty lớn đều có không gian phát triển trong lĩnh vực này. Chúng tôi đang xây dựng hệ thống để đảm bảo không có công ty hay hiệp hội nào có quyền lực chi phối quá mức dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người tiêu dùng".

Tương tự là Sáng kiến Chứng nhận Vaccine (VCI), một hiệp hội có sự tham gia của nhiều đại gia công nghệ bao gồm IBM, Microsoft, Salesforce và Oracle, cùng với dự án chứng nhận điện tử Common Project, với một yêu cầu then chốt là các thành viên tham gia sẽ không thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng.

Cuộc đua phát triển ứng dụng “hộ chiếu vaccine” tại Mỹ - Ảnh 2.

Walmart xây dựng chứng nhận tiêm chủng điện tử cho người tiêu dùng dựa trên tiêu chuẩn của VCI (Nguồn: Walmart)

Ông lớn bán lẻ Walmart đã cho biết sẽ áp dụng tiêu chuẩn được VCI phát triển để cấp chứng nhận với tất cả người tiêu dùng được tiêm phòng COVID-19 tại các trung tâm thương mại của hãng cũng như chuỗi cửa hàng Sam’s Club dành riêng cho thành viên. Các ứng dụng Common Health cũng như Excelsior Pass - được IBM phát triển chính thức cho bang New York - cung cấp mã QR cho phép nhiều nơi có thể tự quét để xác thực, và không cung cấp thông tin cá nhân nào khác ngoài tình trạng tiêm chủng.

Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, nhiều chuyên gia nhận định người tiêu dùng sẽ không mong muốn phải cài đặt quá nhiều các chứng nhận sức khỏe điện tử khác nhau. Động lực phát triển hộ chiếu vaccine cũng phụ thuộc vào khả năng chấp nhận sử dụng tại các địa điểm và dịch vụ như cửa hàng tạp hóa, rạp chiếu phim và công sở.

Các ông lớn công nghệ có thể giải được bài toán hộ chiếu vaccine?

Trong một thị trường rộng lớn như vậy, thì sự gia nhập của những cái tên hàng đầu như Apple, Google hay Samsung có thể là một bước ngoặt thay đổi cuộc chơi. Việc những tên tuổi này tung ra hay chấp nhận những loại hình chứng nhận khác nhau trên điện thoại của mình có thể giảm đáng kể khó khăn cho người tiêu dùng khi muốn chọn lựa một loại hộ chiếu vaccine để sử dụng, đặc biệt khi nhiều ứng dụng trên thị trường tỏ ra khá kém tin cậy về tính xác thực.

Một số ứng dụng như NYC Covid Safe do chính quyền thành phố New York tung ra đã bị chỉ trích mạnh mẽ, được ví như "một ứng dụng chỉnh sửa ảnh" cho phép người dùng tải lên ảnh thẻ chứng nhận tiêm chủng giấy của họ, và buộc doanh nghiệp hay dịch vụ phải tự kiểm tra độ thật giả - một bài toán khó khi hàng loạt chứng nhận giả đang được chào bán tràn lan trên Internet.

Ông Sam Gazeley, nhà phân tích tại ABI Research đánh giá: "Nếu các "Big Tech" có những ứng dụng riêng do họ phát triển hoặc cộng tác thì một lượng lớn những ứng dụng tràn lan trên thị trường hiện nay có thể được cắt giảm, cũng như giảm thiểu rủi ro chứng nhận giả mạo ở một mức độ nhất định"

Quan trọng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng điều đó sẽ tạo ra một thói quen lưu trữ hồ sơ sức khỏe trên các ví kỹ thuật số, giống như thẻ tín dụng hay thẻ thành viên, cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu ngay trên điện thoại một cách dễ dàng và chuẩn hóa.

Cuộc đua phát triển ứng dụng “hộ chiếu vaccine” tại Mỹ - Ảnh 3.

Samsung cho phép nhập hồ sơ tiêm chủng từ ứng dụng Common Health lên ví Samsung Pay (Nguồn: WSJ)

Samsung - nhà sản xuất điện thoại lớn nhất hành tinh vừa đi bước đầu tiên vào lĩnh vực này, khi cho phép người dùng tải hồ sơ sức khỏe từ ứng dụng Common Health và lưu trữ trên ví Samsung Pay. Người dùng cũng sẽ phải xác thực danh tính và có thể truy cập thông tin cá nhân từ đơn vị y dược mà họ được tiêm vaccine, làm tăng độ an toàn của chứng nhận.

Google - ông lớn kiểm soát nền tảng hệ điều hành di động Android cũng đang khởi động kế hoạch, khi cho phép người dùng tải thông tin tiêm chủng và kết quả xét nghiệm từ chính quyền hoặc các đơn vị y tế trực tiếp về điện thoại. Apple cũng có bước đi tương tự khi cho phép lưu thông tin tiêm chủng về ứng dụng Health của hãng, bắt đầu từ phiên bản iOS15.

Hiện một số bang như New York, California hay Louisiana đã đưa ra yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm chủng khi đến địa điểm công cộng. Điều này là một thuận lợi cho các hãng điện thoại khi họ không cần phải tự thúc đẩy người dùng tải hồ sơ tiêm chủng vào thiết bị của mình.

Cả về mặt công nghệ lẫn pháp lý, mảng chứng nhận tiêm chủng điện tử được cho là có tính khả thi cao hơn so với công nghệ truy vết tiếp xúc (contact tracing), từng được các hãng công nghệ tập trung phát triển hồi năm ngoái. Khi đó Apple và Google thậm chí đã bắt tay với nhau, công bố giải pháp công nghệ chung giúp các chính phủ phát triển ứng dụng truy vết, cảnh báo người dùng khi có nguy cơ tiếp xúc gần với virus dựa trên kết nối Bluetooth.

Cuộc đua phát triển ứng dụng “hộ chiếu vaccine” tại Mỹ - Ảnh 4.

Được nhiều ông lớn đầu tư nhưng công nghệ truy vết tiếp xúc vẫn còn gặp nhiều khó khăn (Nguồn: CNBC)

Tuy nhiên cho tới nay, mảng truy vết tiếp xúc vẫn chưa thật sự cất cánh và được nhiều quốc gia áp dụng như kỳ vọng, do còn nhiều trục trặc kỹ thuật và đặc biệt là lo ngại về quyền riêng tư.

Chuyên gia nghiên cứu Amy Loomis từ IDC cho rằng: "Trong khi nhiều người rất lo ngại việc bị "theo dõi", thì chúng ta đã quá quen với việc xuất trình các loại giấy chứng nhận, như là thẻ ra vào công ty hay bằng lái xe. Ngay cả khi các ông lớn chỉ hỗ trợ việc lưu trữ, thì nhiều người vẫn sẽ gắn chứng nhận với các doanh nghiệp này như thể họ cùng tham gia phát triển ứng dụng".

Tất nhiên không phải chuyên gia nào cũng có sự lạc quan với viễn cảnh giới công nghệ chạy đua làm hộ chiếu vaccine. Giáo sư Albert Cahn từ trường Luật Đại học New York – người từng làm thí nghiệm gây sốt khi đăng một bức ảnh Chuột Mickey thay chứng nhận tiêm chủng lên ứng dụng NYC Covid Safe - tỏ ra gay gắt: "Họ từng hứa hẹn công nghệ truy vết sẽ đưa thế giới ra khỏi đại dịch và đã thất bại. Bây giờ họ cũng sẽ không thể thành công với chứng nhận tiêm chủng điện tử".

Cuộc đua phát triển ứng dụng “hộ chiếu vaccine” tại Mỹ - Ảnh 5.

Thí nghiệm đăng ảnh Chuột Mickey lên ứng dụng NYC Covid Safe thay cho chứng nhận tiêm chủng của giáo sư Albert Cahn (Nguồn: Twitter)

Theo ông, các nguy cơ như chứng nhận làm giả, nhiều người dân không sử dụng điện thoại thông minh hay lo ngại về dữ liệu cá nhân hoàn toàn có thể làm xói mòn niềm tin với các ứng dụng chứng nhận nói riêng và hệ thống tiêm chủng nói chung. Ông cũng chỉ ra bài toán chi phí khi dự án phát triển ứng dụng Excelsior Pass của tiểu bang New York đã đội dự toán lên tới 27 triệu USD, gấp 10 lần kế hoạch ban đầu.

Nhìn chung, mối lo ngại lớn nhất vẫn nằm ở khả năng chấp nhận sử dụng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Chuyên gia Sam Gazeley nhận định: "Nếu ví số của Samsung hay Apple không được công nhận rộng rãi, thì tác động của chúng lên mảng chứng nhận điện tử sẽ chỉ rất hạn chế".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước