Người dân xếp hàng nhận thực phẩm trong lúc dịch COVID-19 hoành hành ở Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)
Đây là cảnh báo do Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra vào ngày 8/10. Công bố báo cáo được thực hiện 2 năm/lần về tình trạng nghèo đói và sự thịnh vượng trên thế giới, tổ chức cho vay phát triển đa phương cho biết, từ 88 - 115 triệu người sẽ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm 2020. Đây là những người có mức sống dưới 1,9 USD/ngày. Báo cáo cho biết, con số trên có thể tăng từ 111 - 150 triệu người vào cuối năm 2021.
Điều đó có nghĩa là 9,1 - 9,4% dân số thế giới sẽ sống trong tình trạng nghèo cùng cực trong năm nay, tương đương với mức 9,2% của năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất về tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo cùng cực trong 20 năm qua.
Tỷ lệ người nghèo cùng cực trong năm 2019 ước tính vào khoảng 8,4%. Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, tỷ lệ này được dự kiến sẽ giảm xuống 7,5% vào năm 2021. Báo cáo cho biết, nếu không có các chính sách, chương trình hành động kịp thời và đúng đắn, mục tiêu lâu dài giảm tỷ lệ này xuống 3% vào năm 2030 sẽ không thể khả thi.
Từ 88 - 115 triệu người sẽ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm 2020. (Ảnh: Reuters)
Trước đây, tình trạng nghèo cùng cực tập trung ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ngày càng nhiều người dân thành thị rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vì thất nghiệp hoặc thu nhập thấp do dịch COVID-19. Châu Phi cận Sahara là khu vực có tỷ lệ những người sống dưới 1,90 USD/ngày cao nhất và có thể tăng lên hơn 50 triệu người vào năm 2021 so với ước tính trước khi đại dịch diễn ra. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 42% dân số trong khu vực này có thể sống trong tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2021, so với con số ước tính trước khi diễn ra COVID là 37,8%.
Ngân hàng Thế giới cho biết, cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện có thể làm giảm thu nhập của 40% người nghèo nhất, làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và xung đột.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!