Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về một "thảm họa thế hệ", một sự lãng phí tiềm năng con người khi giáo dục đào tạo đang bị gián đoạn như hiện nay.
Mới đây nhất, gần 300 cựu lãnh đạo trên thế giới đã gửi 1 bức thư mở đến các nhà lãnh đạo G20 và các tổ chức quốc tế lớn, họ kêu gọi hành động toàn cầu khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ hình thành "một thế hệ COVID" không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục.
Bức thư có chữ ký của nhiều nhà lãnh đạo, như cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, các cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark… Các cựu lãnh đạo cảnh báo, khoảng 30 triệu trẻ em có thể sẽ không bao giờ còn cơ hội trở lại trường học, sau khi các biện pháp phong tỏa kết thúc.
Với nhiều trẻ em kém may mắn, giáo dục là lối thoát nghèo duy nhất, nhưng lối thoát đó ngày càng thu hẹp dưới tác động của đại dịch. Và hậu quả nguy hiểm hơn là tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em gia tăng.
Bức thư kêu gọi các lãnh đạo G20, các chính phủ và thể chế tài chính toàn cầu ủng hộ một kế hoạch khẩn cấp, bao gồm biện pháp đảm bảo các chương trình ngân sách giáo dục quốc gia, giãn nợ cho các nước nghèo và tăng cường trợ cấp đa phương.
80% trẻ em ở châu Phi trong cảnh "đói nghèo kỹ thuật số"
Rõ ràng hệ lụy không đơn giản chỉ là các bậc phụ huynh đau đầu, vì không biết phải trông con thế nào, mà nó là nguy cơ mất sự thông suốt trong đào tạo và giáo dục. Ngay cả những giải pháp tình thế mà các trường học áp dụng hiện nay cũng bộc lộ nhiều vấn đề.
Tạm thời chúng ta đang có giải pháp học từ xa, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, không toàn diện vì một vấn đề đó là tình trạng "đói nghèo kỹ thuật số". Hiện có quá nhiều trẻ em nghèo tới mức không đến được trường lớp, chưa nói đến việc có thiết bị đáp ứng việc học từ xa.
Chị Helga Nakiyingi-Rutaagi, người Uganda, làm trong một ngân hàng. Khi dịch bệnh tới, trường học đóng cửa, chị sắm cho mỗi con 1 chiếc laptop để học online cùng nhà trường. Chị còn thuê cả gia sư và cho các con tham gia những khóa học thêm online trên mạng. Chị cho biết: "Để các cháu không bị hổng kiến thức thì rõ ràng tôi phải thuê 1 người phụ đạo. Tôi thì không đủ chuyên môn tự dạy cho các cháu".
Giá học thêm là khoảng 14 USD mỗi tuần, học sinh học thêm qua ứng dụng Whatsapp. Nhưng với nhiều người thì không may mắn như thế. Chị Susan Acheng ở nông thôn, điều kiện khó khăn hơn nhiều. "Các cháu giờ nghỉ ở nhà hết, đến ăn còn đang chưa đủ. Mọi thứ cũng khó khăn lắm".
Tiếp cận các tài liệu học tập trực tuyến là giấc mơ tương đối xa với 4 cháu nhà chị Susan, nhưng trường hợp như nhà chị Susan không phải cá biệt, có tới 80% trẻ em ở châu Phi không có Internet và điện. Việc học từ xa là bất khả thi. Với thời gian nghỉ học do dịch lâu như hiện nay, khả năng các bé nhà Susan bỏ học là rất cao.
Khu vực Hạ Sahara của châu Phi đang có tỷ lệ trẻ em tới trường thấp nhất trên toàn thế giới. Có tới 1/5 số em tuổi từ 6-11 không tới trường, 1/3 tuổi 12-14 thất học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!