Hàng ngày, ông Park Gyung-sun, 71 tuổi, đi giao hoa, tài liệu và các gói hàng khác quanh thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là một công việc phổ biến đối với những người cao tuổi ở nước này, những người được quyền đi tàu điện ngầm miễn phí trong thành phố.
Công việc này mang lại cho ông Park, một cựu tiểu thương bán hàng ở chợ, tới 700.000 Won (550 USD) mỗi tháng. Công ty nơi ông làm việc chỉ là một trong 20 công ty dạng này ở Seoul.
"Thật vui và tốt cho sức khỏe của tôi", ông Park chia sẻ. "Nhưng thành thật mà nói, tôi sẽ không làm điều này nếu việc đi tàu điện ngầm không được miễn phí bởi vì tôi sẽ không còn nhiều tiền".
Những chuyến tàu điện ngầm miễn phí là một đặc quyền đối với người từ 65 tuổi trở lên ở quốc gia này trong bốn thập kỷ qua và được ghi nhận là giúp người cao tuổi hoạt động tích cực.
Hiện chưa có ý tưởng nào về việc bỏ hoàn toàn đặc quyền trên được đưa ra, nhưng một số thành phố vận hành tàu điện ngầm đang đe dọa tăng giá vé hoặc nâng độ tuổi đủ điều kiện, trừ khi Chính phủ Hàn Quốc gánh vác một phần chi phí. Hiện Bộ Tài chính Hàn Quốc kiên quyết phản đối ý tưởng trên.
Tranh chấp này là một phần trong những thách thức lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, khi chi phí phúc lợi cho người cao tuổi đang tăng lên và diễn ra trong bối cảnh tranh luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 tuổi cũng như cách đảm bảo chế độ lương hưu quốc gia bền vững.
Thực tế này cũng khiến Tổng thống Yoon Suk-yeol rơi vào tình thế khó xử. Ông cam kết sẽ củng cố tài chính khi nhậm chức vào tháng 5/2022, nhưng cũng coi các cử tri cao tuổi là cơ sở hỗ trợ chính.
Người cao tuổi sử dụng dịch vụ tàu điện ngầm miễn phí để chuyển bưu kiện tập trung tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 8/2/2023. (Ảnh: Reuters)
Người tiêu dùng đã không hài lòng với lạm phát ở mức cao nhất trong 24 năm, giá tiện ích tăng vọt và nền kinh tế trong quý vừa qua đã chứng kiến sự suy giảm đầu tiên sau hơn hai năm.
Một số thành viên của đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cảnh báo rằng bất kỳ việc giảm bớt các đặc quyền tàu điện ngầm cho người cao tuổi sẽ không giúp họ có cơ hội trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới, một cuộc bầu cử mà đảng đang tìm cách chiếm lại thế đa số để ông Yoon Suk-yeol có thể thúc đẩy chương trình cải cách của mình. .
18% trong tổng số 51 triệu dân của Hàn Quốc ở độ tuổi từ 65 trở lên. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào năm 2035 và 40% trong năm 2050, theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.
Tại khu vực Seoul rộng lớn hơn, nơi có gần 3,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên, hơn 233 triệu chuyến xe miễn phí đã được thực hiện vào năm 2022. Điều này khiến Seoul Metro tiêu tốn khoảng 315 tỷ Won (250 triệu USD).
Để đối phó, vào tháng 12/2022, Seoul đã công bố kế hoạch tăng giá vé tàu điện ngầm lên tới 30% lần đầu tiên kể từ năm 2015, trong khi các chuyến tàu miễn phí cho người già sẽ vẫn được giữ nguyên.
Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon phát biểu tại một cuộc họp báo vào tuần trước, việc tăng giá vé theo kế hoạch chỉ có thể được giảm thiểu nếu "ít nhất có một số hỗ trợ của nhà nước", đồng thời lưu ý rằng chính sách đi tàu miễn phí đã được cựu Tổng thống Chun Doo-hwan áp đặt lên các thành phố từ đầu những năm 1980.
Về phần mình, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết đã tài trợ cho việc xây dựng và cải thiện hệ thống tàu điện ngầm, do đó các thành phố nên tự xử lý vấn đề về chi phí vận hành.
Daegu, một thành phố lớn ở vùng Đông Nam Hàn Quốc, gần đây cho biết sẽ xem xét tăng dần độ tuổi đủ điều kiện tối thiểu (để được đi tàu điện ngầm miễn phí) lên 70 theo từng giai đoạn. Thành phố Daejeon đang cân nhắc chính sách tương tự.
Theo một cuộc thăm dò của Gallup được công bố vào tuần trước, 60% người dân Hàn Quốc ủng hộ việc nâng độ tuổi tối thiểu được hưởng các phúc lợi dành cho người cao tuổi, bao gồm cả việc đi tàu điện ngầm miễn phí, trong khi 34% phản đối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!