Cờ EU bay phấp phới trước trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo đó, đề xuất yêu cầu các công ty lớn tại EU kiểm tra xem liệu các nhà cung cấp của họ từ khắp nơi trên thế giới có sử dụng lao động nô lệ hoặc lao động trẻ em và có tôn trọng các tiêu chuẩn môi trường hay không.
Đề xuất, được gọi là Thẩm định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cũng sẽ yêu cầu hội đồng quản trị của các công ty trong EU phải đảm bảo rằng mô hình kinh doanh và chiến lược của họ phù hợp với việc hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C theo nội dung của Thỏa thuận chung Paris.
Các công ty EU sẽ phải đảm bảo rằng nhà cung cấp của họ không sử dụng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, không đủ sức khỏe và đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, không bóc lột lao động hoặc thực hiện các hành vi vi phạm môi trường như phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm hoặc mất đa dạng sinh học và làm suy thoái hệ sinh thái.
Theo Reuters, đề xuất của Ủy ban châu Âu sẽ chỉ trở thành luật của EU sau các cuộc đàm phán kéo dài với Nghị viện châu Âu và các Chính phủ EU, có khả năng kéo dài trong hơn một năm.
Tổ chức phi chính phủ Friends of the Earth Europe cho biết cho biết trong một tuyên bố: "Luật pháp có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi thực sự đối với tác động của các tập đoàn trên thế giới, hoặc ngược lại vấn đề có thể trở nên tồi tệ nếu các doanh nghiệp kinh doanh lớn đạt được mong muốn của họ".
Đề xuất ước tính sẽ được áp dụng cho 13.000 công ty EU, tiêu chí chính là công ty sử dụng từ 500 nhân viên và có doanh thu ròng hơn 150 triệu Euro.
Tiêu chí này sẽ thấp hơn, ở mức 250 nhân viên và 40 triệu Euro doanh thu đối với các công ty hoạt động trong những lĩnh vực có tác động mạnh như sản xuất quần áo, giày dép, động vật, gỗ, thực phẩm và đồ uống, dầu, khí đốt, than đá, kim loại và quặng kim loại, vật liệu xây dựng, nhiên liệu hoặc hóa chất.
Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là 99% các công ty ở châu Âu sẽ được miễn trừ vì không đạt được các ngưỡng này.
Luật cũng sẽ áp dụng cho khoảng 4.000 công ty ngoài EU nhưng hoạt động tại 27 quốc gia thành viên trong khối. Đối với nhóm này, doanh thu ròng 150 Euro triệu sẽ phải được tạo ra trong EU, hoặc 40 triệu Euro doanh thu trong EU nếu các công ty này thoạt động ở những ngành có tác động cao.
Các Chính phủ EU sẽ giám sát việc tuân thủ những mục tiêu này. Công ty nào "phớt lờ", không tuận thủ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt.
Các công ty EU cũng sẽ phải đối mặt với trách nhiệm dân sự nếu nhà cung cấp mà họ có quan hệ hợp tác lâu dài và thường xuyên thực hiện hành vi vi phạm nhân quyền hoặc vi phạm môi trường.
Tuy nhiên, vụ kiện riêng đối với một công ty EU về hành vi sai trái của nhà cung cấp sẽ phải cho thấy hành vi vi phạm có thể đã được công ty EU đó thấy trước, ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm nhẹ bằng các biện pháp thẩm định thích hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!