Một kho chứa dầu tại bến cảng ở Hamburg, Đức. (Ảnh: Reuters)
Đây là thông tin do Thư ký Văn phòng Chính phủ Liên bang Đức Joerg Kukies đưa ra.
"Chúng tôi đã thảo luận về hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và đầu tư doanh nghiệp", ông Joerg Kukies cho biết trên Twitter. Đồng thời, ông Kukies đã thảo luận với Phó Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, người đứng đầu quỹ đầu tư Qatar Investment Authority.
Đức sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng trong năm nay và có kế hoạch xây dựng nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên trong vòng hai năm tới.
Qatar là một trong những quốc gia gần đây đã được Mỹ tiếp cận để định hướng lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nước này cho biết có thể cung cấp 10 - 15% khối lượng LNG của mình cho châu Âu. Qatar có kế hoạch nâng công suất sản xuất LNG từ 77 triệu tấn/năm hiện nay lên 126 triệu tấn mỗi năm vào năm 2027.
Châu Âu đang lên kế hoạch loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than đá của Nga trong 5 năm tới. (Ảnh: WriteCaliber)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông tin, châu Âu đang lên kế hoạch loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than đá của Nga trong 5 năm tới, sau khi Nga tấn công quân sự Ukraine.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói với tuần báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung rằng, ông đã lên kế hoạch, qua đó Đức sẽ độc lập với nguồn cung than và dầu của Nga trong vòng chưa đầy một năm: "Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ không phụ thuộc vào than của Nga vào mùa thu và gần như không phụ thuộc vào dầu từ Nga vào cuối năm nay".
Tuy nhiên, ông Habeck thừa nhận, vấn đề khí đốt sẽ phức tạp hơn do Đức chưa có khả năng nhập khẩu LNG và nhắc lại, lệnh cấm vận ngay lập tức đối với nguồn cung này từ Nga có thể gây ra tình trạng khủng hoảng năng lượng vào mùa đông sắp tới, khiến kinh tế Đức suy thoái và lạm phát tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!