Một con lợn rừng bị mắc dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở Brandenburg. (Ảnh minh họa: DPA)
Đây là trường hợp nhiễm virus tả lợn châu Phi đầu tiên được báo cáo ở Đức. Bệnh dịch tả lợn châu Phi truyền từ lợn rừng sang lợn nuôi nhưng thường không nguy hiểm đối với con người.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Julia Klöckner đã xác nhận rằng, các nhà chức trách đã phát hiện một trường hợp mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) ở bang Brandenburg. Ngày 10/9, bà Julia Klöckner nhấn mạnh, việc tiêu thụ thịt bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi không gây hại cho con người.
Vụ việc xảy ra ở bang miền Đông nước này liên quan đến một xác lợn rừng được phát hiện ở huyện Spree-Neisse, phía Nam Brandenburg, gần thành phố Cottbus, chỉ cách biên giới giữa Đức với Ba Lan vài km. Một mẫu bệnh phẩm đã được lấy để kiểm tra trong phòng thí nghiệm tại Viện Friedrich Loeffler.
Một con lợn rừng ở Bavaria, miền Nam nước Đức. (Ảnh: DPA)
Đầu năm 2020, khoảng 450 trang trại chăn nuôi lợn ở tỉnh Greater Poland, phía Tây Bắc Ba Lan, đã bị phong tỏa sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại một trang trại ở vùng này.
Mầm bệnh tả lợn châu Phi từ lợn rừng, một loại virus truyền nhiễm gây tử vong cho lợn, thường xâm nhập vào quần thể lợn tại các trang trại. Bệnh tả lợn châu Phi rất dễ lây lan, khiến lợn rừng cũng như lợn chăn nuôi bị chết nếu mắc bệnh.
Căn bệnh này bắt nguồn từ châu Phi, đã lan sang châu Á, châu Âu và đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận ở Đức. Hiện chưa có vaccine tiêm ngừa hoặc thuốc chữa khỏi bệnh tả lợn châu Phi. Được biết, Đức là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất châu Âu với khoảng 5 triệu tấn thịt mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!