Dương tính với SARS-CoV-2 sau tiêm vaccine - Có nên lo lắng?

Nguyễn Hà-Thứ ba, ngày 22/06/2021 10:47 GMT+7

VTV.vn - Tiêm vaccine - chìa khóa giúp thế giới sớm thoát khỏi COVID-19, nhưng vẫn có các trường hợp dương tính sau khi tiêm vaccine. Vậy nên hiểu về hiện tượng này thế nào?

Trên thực tế đã xảy ra một số ít các trường hợp đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mà vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2. Tình huống này đã được dự báo trước. Và cho đến nay, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng vaccine cực kỳ hiệu quả trong việc giảm các trường hợp COVID-19 phải nhập viện và tử vong.

Vaccine - chìa khóa giúp thế giới sớm thoát khỏi COVID-19, nhưng vẫn có các trường hợp dương tính sau khi tiêm vaccine. Hiểu về hiện tượng dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tiêm phòng để tự tin tiêm SARS-CoV-2 bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

CDC Mỹ: 0,01% dương tính với SARS-CoV-2 sau tiêm phòng

Tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 sau tiêm vaccine đã được ghi nhận ở một số người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trên thế giới.

Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Mỹ (CDC Mỹ) khẳng định các trường hợp này là "rất hiếm", chỉ chiếm 0,01% trong số những người Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vaccine trong năm 2021, đối với các loại vaccine như Pfizer, AstraZeneca và Moderna. CDC Mỹ cho biết, các trường hợp nhiễm virus sau khi tiêm đã được dự báo trước, bởi không loại vaccine phòng COVID-19 nào được cấp phép cho đến nay có hiệu quả 100%, nhưng nhấn mạnh tất cả đều 'an toàn và hiệu quả' trong việc phòng chống các triệu chứng của COVID-19.

Dương tính sau tiêm không có nghĩa vaccine không hiệu quả

Bên cạnh đó, CDC Mỹ khẳng định, với những người nhiễm virus sau tiêm vaccine thì bệnh nhẹ hơn. Và đó không chỉ là thông tin duy nhất mà CDC Mỹ muốn những người đã chủng ngừa biết.

Dương tính với SARS-CoV-2 sau tiêm vaccine - Có nên lo lắng? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Mỹ ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu trên 3.900 người lao động trong các ngành thiết yếu ở Mỹ cho thấy người tiêm vaccine đầy đủ được bảo vệ hơn 90% trước COVID-19. Với những người mới tiêm một liều, khả năng nhiễm virus của họ vẫn giảm đến 81% so với những ai chưa tiêm vaccine.

Những người tham gia nghiên cứu được xét nghiệm hàng tuần và chỉ có 5% mắc COVID-19. Dù bị nhiễm virus sau khi tiêm 1 hoặc cả 2 liều vaccine, những người này có ít hơn 40% lượng virus trong mũi và khả năng bị sốt giảm 58%. Trung bình thời gian sốt buộc phải nghỉ ngơi của họ ngắn hơn 2 ngày so với những người chưa tiêm. Tải lượng virus trong cơ thể người đã tiêm vaccine giảm, không chỉ giúp họ nhanh khỏi bệnh hơn, mà cũng giảm nguy cơ họ truyền virus cho người khác.

Còn theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y khoa BMJ về hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech và AstraZeneca đối với các triệu chứng liên quan đến COVID-19 như phải nhập viện và tử vong ở người lớn tuổi tại Anh, cho thấy ngay cả khi tiêm 1 liều vaccine cũng giảm đáng kể triệu chứng bệnh khi mắc bệnh và tăng miễn dịch, giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng. Cả hai loại vaccine Pfizer/BioNTech và AstraZeneca đều cho thấy những tác dụng tương tự nhau và có hiệu quả với cả những biến thể đã phát hiện.

Kháng thể được tạo ra sau khi tiêm vaccine bảo vệ người tiêm như thế nào?

Có một điều cần biết là vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng, và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chưa đạt tối đa. Sau tiêm mũi thứ 2 thì cũng phải mất một thời gian thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, và hiệu quả này là ở mức khoảng 60-90% tùy theo loại vaccine.

Dương tính với SARS-CoV-2 sau tiêm vaccine - Có nên lo lắng? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 3/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Các loại vaccine khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ. Nhưng với tất cả các loại vaccine, cơ thể sẽ được cung cấp các tế bào bảo vệ cơ thể là lympho B và lympho T. Các tế bào này sẽ nhớ cách tấn công virus khi virus xâm nhập vào cơ thể.

Thông thường, phải mất vài tuần sau khi tiêm vaccine cơ thể mới sản sinh ra được tế bào lympho T và lympho B. Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm SASR-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch.

Bà Katherine o' Brien - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho biết: "Với loại vaccine 2 liều như chúng ta có hiện nay, thông thường hệ miễn dịch sẽ có những phản ứng tích cực trong vòng 2 tuần sau liều tiêm thứ nhất. Với mũi tiêm thứ 2, nó sẽ làm gia tăng sự hoạt động của hệ miễn dịch chỉ một thời gian ngắn sau đó".

Đôi khi sau khi tiêm vaccine, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng, như sốt. Các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch.

Xin nhắc lại rằng, cơ chế hoạt động của vaccine ngừa COVID-19 là giúp cơ thể sản sinh miễn dịch. Nếu phần nhỏ người tiêm bị nhiễm virus thì bệnh cũng sẽ ở tình trạng nhẹ hơn, nhanh khỏi hơn và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Từ đó, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế. Vì thế, tiêm vaccine giúp chúng ta đẩy lùi bệnh hiệu quả hơn. Chính vì vậy, các chuyên gia đều khẳng định để vượt qua COVID-19, bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc phòng dịch, cần phải tiêm vaccine.

Vaccine - Hành trình miễn dịch số 2: Sau khi tiêm vaccine, cơ thể có bị nhiễm virus SARS-CoV-2? Vaccine - Hành trình miễn dịch số 2: Sau khi tiêm vaccine, cơ thể có bị nhiễm virus SARS-CoV-2?

VTV.vn - Sau khi tiêm vaccine COVID-19, liệu có thể bị nhiễm virus hay không? câu hỏi được không it người đặt ra sau khi có một số trường hợp, dù đã tiêm vaccine vẫn dương tính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước