Mục đích là nhằm có thể gửi trả thêm nhiều người di cư không có quyền tị nạn ở châu Âu trở về nước của họ, bao gồm cả Iraq.
Ba năm sau khi 27 quốc gia EU đồng ý hạn chế thị thực đối với các quốc gia bị coi là không hợp tác trong việc đưa người của nước đó trở lại, chỉ có Gambia bị trừng phạt chính thức.
Ủy ban châu Âu điều hành EU đã đề xuất các bước tương tự đối với Iraq, Senegal và Bangladesh, mặc dù hai quan chức EU cho biết, sự hợp tác với Dhaka về những người bị trả về đã được cải thiện kể từ đó. Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu quả chung của EU vẫn ở mức 21% vào năm 2021, theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).
"Đó là mức mà các quốc gia thành viên coi là thấp không thể chấp nhận được", một trong các quan chức EU cho biết.
Nhập cư là một chủ đề rất nhạy cảm về mặt chính trị trong khối, nơi các quốc gia thành viên thà thảo luận về việc tăng cường trả người nhập cư về nước, cũng như giảm nhập cư bất hợp pháp ngay từ đầu, hơn là tái diễn bất đồng về cách chia sẻ nhiệm vụ chăm sóc những người nhập cư cố gắng vào châu Âu và giành quyền ở lại.
"Việc thiết lập một hệ thống chung và hiệu quả của EU nhằm trả lại là một trụ cột trung tâm của các hệ thống tị nạn và di cư hoạt động tốt và đáng tin cậy", Ủy ban châu Âu cho biết trong một tài liệu thảo luận dành cho các Bộ trưởng Di cư.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, khoảng 160.000 người đã vượt Địa Trung Hải vào năm 2022, con đường chính đến châu Âu của những người di cư chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á. Ngoài ra, gần 8 triệu người tị nạn Ukraine cũng đã đến các quốc gia trên khắp châu Âu.
Các bộ trưởng gặp nhau hai tuần trước khi lãnh đạo 27 quốc gia EU tập trung tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về vấn đề di cư, cũng được cho là sẽ kêu gọi trả thêm người di cư trở lại nước xuất phát.
Tuy nhiên, trong EU, không có đủ nguồn lực và sự phối hợp giữa các bộ phận khác nhau của chính phủ để đảm bảo mỗi người di cư không có quyền ở lại đều được trả về nước hoặc trục xuất một cách hiệu quả, theo Ủy ban châu Âu. Bên cạnh đó, sự hợp tác không đầy đủ của các quốc gia xuất xứ là một thách thức bổ sung.
Cho đến nay, vẫn chưa có đủ đa số trong số các quốc gia EU để trừng phạt một quốc gia khác ngoài Gambia, nơi người dân không còn có thể xin thị thực nhập cảnh nhiều lần vào EU và phải chờ đợi lâu hơn.
Trong khi các nước EU bao gồm Áo và Hungary phản đối làn sóng nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu là người Hồi giáo từ Trung Đông và Bắc Phi, Đức nằm trong số những nước đang tìm cách mở cửa thị trường việc làm cho những người lao động rất cần thiết từ bên ngoài khối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!